(HNM) - Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí tại thành phố Hồ Chí Minh bị ô nhiễm. Để hạn chế tình trạng này, góp phần bảo vệ môi trường, thành phố Hồ Chí Minh đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kiểm soát khí thải trên mô tô và xe máy lưu hành trên địa bàn.
Yếu tố gây ô nhiễm môi trường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, vào những khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tại các nút giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh như: Ngã tư Hàng Xanh, Nguyễn Hữu Thọ, Bến xe Miền Đông, Cộng Hòa, Trường Chinh… có nhiều phương tiện cũ nát tham gia giao thông xả khói đen mù mịt. Anh Đinh Công Thắng (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) chia sẻ: “Cứ vào giờ cao điểm mà đi qua khu vực đường Trường Chinh giao Tân Kỳ - Tân Quý lại xảy ra tình trạng ùn tắc. Nhiều xe máy cũ nát chở hàng xả khói đen mù mịt khiến người đi đường luôn cảm thấy mệt mỏi”.
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an thành phố Hồ Chí Minh), toàn thành phố hiện có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%).
Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay), thành phố đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông cá nhân, đồng nghĩa với việc tăng nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, nhiều xe máy đang lưu hành cũ nát, không thường xuyên được bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại thải ra môi trường cao, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phải có giải pháp kiểm soát mức độ phát thải của tất cả các phương tiện tham gia giao thông, nhất là kiểm định khí thải xe máy, bởi số lượng loại xe này ngày càng nhiều nhưng lại không được kiểm soát chất lượng khí thải như ô tô.
Thí điểm mô hình kiểm soát khí thải xe máy
Trước thực trạng khí thải từ xe máy gây ô nhiễm không khí, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) đã hợp tác tổ chức chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải các loại phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, khi người dân mang xe máy các loại đến 8 cơ sở bảo dưỡng được chương trình chỉ định tại các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra nồng độ khí thải và bảo dưỡng xe miễn phí. Nếu xe máy có nồng độ khí thải thấp hơn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 về phương tiện giao thông đường bộ - giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải mức 1 sẽ được tặng phiếu thay dầu nhớt miễn phí. Còn phương tiện có nồng độ khí thải lớn hơn tiêu chuẩn sẽ được kiểm tra thêm, thông qua 8 bước kiểm tra các phụ tùng trong xe. Sau đó, các kỹ thuật viên sẽ tư vấn chủ xe thay thế các phụ tùng cũ, hỏng để xe vận hành tốt hơn.
Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải cho biết, gần 3 tháng qua (từ ngày 15-5 đến ngày 3-8), thành phố đã kiểm tra khí thải đối với 5.924 xe (đạt 98,73% so với kế hoạch giai đoạn), đạt 59,24% so với kế hoạch toàn chương trình (dự kiến 10.000 xe). Trong số 4.457 xe hoạt động từ 5 năm trở lên có 4.110 xe đạt yêu cầu về khí thải, chiếm tỷ lệ 92,21%; 1.467 xe hoạt động dưới 5 năm thì 1.431 xe đạt yêu cầu về khí thải, với tỷ lệ 97.55%.
"Nhiều năm nay, tôi đi xe máy nhưng không quan tâm đến kiểm định kỹ thuật, khí thải xe. Sau khi được chứng kiến việc kiểm tra khí thải xe máy và tư vấn của nhân viên kỹ thuật, tôi thấy điều này rất cần thiết để bảo vệ môi trường", anh Lê Vĩnh Hòa, chạy xe ôm công nghệ ở quận 1 cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, thông qua kết quả chương trình (đến hết tháng 9-2020), Sở sẽ báo cáo lên UBND thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở đề xuất HĐND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn.
"Về giải pháp lâu dài, ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách phát triển của ngành theo hướng giảm phát thải CO2; tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Đồng thời, tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về những giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường như: Hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sạch...", ông Bùi Hòa An cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.