Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu là trung tâm khởi nghiệp lớn

Trọng Ngôn| 19/02/2021 07:02

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp của cả nước. Với thế mạnh của mình, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất nước. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các chính sách thiết thực.

Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông Minh (thành phố Thủ Đức) là một mô hình khởi nghiệp thành công từ sản xuất rau sạch.

Tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi

Năm 2015, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân là các loại bột rau, chị Nguyễn Ngọc Hương đã cùng cộng sự xây dựng trang trại 10.000m2 ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để trồng cây rau má. Và ngay năm sau, chị Hương quyết định khởi nghiệp với loại cây rau này. Chị Nguyễn Ngọc Hương đã thành lập công ty và tiến hành xúc tiến đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm bột rau má nhanh chóng được người tiêu dùng đánh giá cao và đón nhận; không chỉ phân phối trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị Hương đã tạo việc làm cho nhiều lao động và trang trại giúp làm “sống lại” vùng đất bị bỏ hoang lâu năm.

“Thành phố Hồ Chí Minh thường được những người trẻ chọn để khởi nghiệp bởi đây có thị trường rộng lớn, việc gọi vốn cũng thuận lợi hơn so với các địa phương khác. Cùng với đó, các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh tại thành phố được cắt giảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi”, chị Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, thành phố đã tạo ra 34 cơ sở ươm tạo và nhiều không gian đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đã nâng cao năng lực kết nối với 160 cố vấn khởi nghiệp, hơn 200 chuyên gia hướng dẫn, từ đó nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho hơn 3.000 cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, đã có 2.400 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố ra đời...

Còn theo đánh giá của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (IEC), các dự án khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào mô hình kinh doanh có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều này giúp các dự án khởi nghiệp ít chịu tác động bên ngoài như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đây cũng là xu hướng của các dự án khởi nghiệp trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Năm 2021, thành phố phấn đấu có khoảng 45.000 doanh nghiệp được thành lập mới, trong đó khuyến khích các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có mô hình, giải pháp hiệu quả, ứng dụng chuyển đổi số.

Giám đốc IEC Lê Nhật Quang cho biết, trong năm 2021, IEC sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư nhằm kêu gọi vốn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp chất lượng. Đây cũng là cách nhằm tăng chiều sâu chất lượng cho hoạt động ươm tạo khởi nghiệp tại IEC.

Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, các hoạt động nền tảng hỗ trợ cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại thành phố được chia thành 4 hoạt động chính: Huấn luyện, truyền cảm hứng; tổ chức các sự kiện kết nối; ươm tạo các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng tốc cho các dự án. Các hoạt động trên giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức, tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được các nguồn đối ứng của xã hội trong hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Với lợi thế của một đô thị lớn, năng động, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025. Thông qua kế hoạch, các ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp hằng năm, trong đó ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2021, thành phố triển khai chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố. Thành phố sẽ đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.

“Thành phố Hồ Chí Minh xác định hoạt động khởi nghiệp là một trong những chương trình trọng điểm góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao và bền vững. Thành phố khuyến khích những người trẻ sáng tạo lập nghiệp, làm giàu cho chính mình và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thành phố”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu là trung tâm khởi nghiệp lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.