(HNM) - Theo dự báo của các ngành chức năng, đến năm 2025, dân số thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 10,05 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân, thành phố cần tới 45 triệu mét vuông nhà ở xây dựng mới. Đây là bài toán không dễ giải quyết, nhưng với sự cố gắng từ các ngành chức năng của thành phố, việc tạo lập chỗ ở cho người dân đã có những chuyển biến nhất định...
Nhu cầu lớn, giá lại cao
Theo Tổng Giám đốc Công ty Seaholdings Trần Hiền Phương, hơn một năm qua, thành phố Hồ Chí Minh siết chặt quản lý đất đai nên nhiều dự án nhà ở bị ách tắc trong khâu triển khai, dẫn đến nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Từ thực tế này, Tổng Giám đốc Thịnh Hưng Holdings Huỳnh Minh Thắng nhận định, nhiều người dân có nhu cầu thật về nhà ở lo lắng giá nhà sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Về phía người mua nhà, anh Bùi Đình Tuấn (ngụ phường 14, quận 4) cho biết, khoảng một năm nay, anh tìm mua một căn hộ giá tốt, nhưng không tìm được. “Trước đây vài năm, giá nhà chung cư ở huyện Nhà Bè chỉ trên 20 triệu đồng/m2. Bây giờ, căn hộ tương tự giá đã trên 40 triệu đồng/m2. Với thu nhập dưới 20 triệu đồng mỗi tháng, tôi gần như không thể mua được nhà”, anh Tuấn giãi bày.
Theo Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thành phố Hồ Chí Minh, dân số thành phố tại thời điểm ngày 1-4-2019 là trên 8,9 triệu người. Sau 10 năm, quy mô dân số của thành phố lại tăng 1,8 triệu người. Tốc độ dân số tăng bình quân gần 185.000 người/năm. Dự báo dân số thành phố sẽ đạt gần 9,2 triệu người trong năm 2020 và đạt con số trên 10,05 triệu người vào năm 2025.
Với quy mô dân số đó, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 45 triệu mét vuông nhà ở mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Lê Hòa Bình cho biết, với diện tích này, thành phố sẽ dành 1,96 triệu mét vuông nhà ở xã hội, 385.000m2 nhà ở cho công nhân, còn lại là nhà ở thương mại.
Thay đổi tư duy để có nơi ở tốt
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, giá nhà ở tăng cao do tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ chung cư, khoảng 30% giá thành nhà phố và trên dưới 50% giá thành biệt thự. “Khung giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp khiến giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở hơn”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Còn Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng, mục tiêu người dân thành phố phải có nhà ở tạo áp lực rất lớn lên chính sách an sinh xã hội của thành phố. Nếu nhìn ở góc độ đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh với dân số (kể cả người nhập cư) khoảng 13 triệu người, việc đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở là rất khó.
Tuy nhiên, về bảo đảm nơi an cư, cũng nên theo nhiều hướng khác nhau. Thay vì việc phải xoay xở đủ cách để có thể mua được nhà, đất, người dân có thể tính đến việc thuê một căn hộ chung cư với giá vừa phải ở gần nơi làm việc để tiết kiệm thời gian, công sức, vừa có được chất lượng sống tốt hơn... Chính vì vậy, cần đổi mới tư duy, không nên nhất định phải sở hữu nhà ở mà có thể chuyển sang thuê nhà ở phù hợp với điều kiện sống và làm việc. Thực tế cho thấy, trong khi giá bán nhà ở xây dựng mới không ngừng tăng cao thì giá nhà cho thuê lại không tăng nhiều, lượng nhà ở còn trống vẫn lớn, không khan hiếm. Điều này sẽ giải quyết phần nào "bài toán" giá nhà ở chênh lệch lớn với thu nhập bình quân đầu người mà cả người mua nhà và doanh nghiệp đều lo ngại.
Cũng theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, muốn khuyến khích người chưa sở hữu nhà chọn cách đi thuê, thành phố cần có chính sách miễn thuế, ưu đãi rõ ràng, cụ thể cho chủ nhà cho thuê; chủ đầu tư dự án căn hộ trung cấp, bình dân cho thuê. Từ đó, người thuê cũng được hưởng lợi qua việc giá nhà thuê thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nơi ở.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước về nhà ở, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, đối với công tác phát triển nhà ở thương mại (chiếm phần lớn số lượng nhà ở xây dựng mới), phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Thành phố sẽ có các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển đa dạng loại hình nhà ở cả về giá cả, vị trí, diện tích… sao cho đáp ứng tối đa tốc độ dân số tăng nhanh. Trong đó, ưu tiên phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê.
Còn Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thì nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố nhận định công tác phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu dân số tăng nhanh là nhiệm vụ quan trọng nên đã đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nhiệm vụ đặt ra là bên cạnh việc phát triển nhà ở mới kiên cố, cần cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố thông qua việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22,8m2/người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.