(HNMO) - Ngày 12-10, chỉ 1 ngày sau khi quyết định mở lại hoạt động vận tải hành khách từ thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ, đường sắt, ngành Giao thông thành phố đã nhận được tín hiệu phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp và người dân. Số xe khách đăng ký hoạt động tăng nhanh, còn vé tàu bán được gần 80% số ghế.
Đường bộ, đường sắt “đắt khách”
Ngay sau khi Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh gửi phương án thí điểm vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng đường bộ đến các doanh nghiệp và tỉnh thành, đã có 54 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây.
Cùng với đó, ít nhất 3 địa phương là Đồng Nai, Đắk Lắk, Hưng Yên đã có văn bản phản hồi thống nhất phương án phối hợp thực hiện các tuyến vận tải hành khách với thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến thực hiện từ ngày 13-10.
Tại Bến xe Miền Tây, công tác chuẩn bị cho việc mở lại các tuyến vận tải hành khách cố định đang được tích cực tiến hành. Ban Quản lý bến xe bố trí biển báo đi lại, biển báo nhắc nhở phòng, chống dịch; bố trí nước sát khuẩn tại nhiều vị trí trong bến xe.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết: “Nhân viên phục vụ tại bến xe được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Bến xe đã bố trí lực lượng nhắc nhở, giám sát khách đi xe tuân thủ các quy định phòng dịch”. Có 12 doanh nghiệp vận tải đã đăng ký chạy các tuyến Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang từ Bến xe Miền Tây.
Còn tại Bến xe Miền Đông, ban quản lý bến đã bố trí phân luồng người và phương tiện ra vào bến và tại các phòng vé, phòng chờ; hạn chế tiếp xúc gần. Hiện đã có 42 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại đây, triển khai các chuyến xe khách đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Có 3 địa phương là Đồng Nai, Đắc Lắk và Hưng Yên đã thống nhất tổ chức các tuyến xe với thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, số địa phương đồng thuận sẽ tăng nhanh trong các ngày tới. Trước đó, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề xuất đến 30 tỉnh, thành trên cả nước.
Anh Vũ Hoàng Sang, ngụ tại phường 10, quận 3, hào hứng nói: “Tôi quê ở Hưng Yên, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đang chưa hoạt động trở lại, nên tôi rất muốn về quê thăm nhà. Nay nghe tin sắp có tuyến xe khách về địa phương, tôi rất mừng”.
Trong khi đó, tại Ga Sài Gòn, ngay trong ngày đầu mở bán vé chuyến tàu SE8 chạy lúc 6h sáng ngày 13-10 từ Ga Sài Gòn đến Ga Hà Nội, đã có rất nhiều người mua vé. Chị Trần Thị Nhỏ, ngụ tại quận 4, quê ở Nghệ An cho biết, gia đình 4 người của chị rất mong mỏi về thăm quê sau hơn 4 tháng kẹt lại thành phố Hồ Chí Minh khi đi khám, chữa bệnh. “Có tàu rồi, đi lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, chị Nhỏ nói.
Ga Sài Gòn đã bán được 240/302 vé, chiếm 79,4% số ghế của đoàn tàu này. Với lượng khách tăng cao vượt dự kiến, ngành Đường sắt có thể bố trí thêm đôi tàu SE5/6, cùng với đôi tàu SE7/8 chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại.
Tiếp tục phối hợp đưa người về quê
Cùng với việc mở lại các tuyến vận tải hành khách cố định bằng đường bộ và đường sắt, UBND và ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đưa người dân có nhu cầu về quê được đi lại thuận tiện, tập trung bằng phương tiện vận chuyển công suất lớn.
Đơn cử, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa lên kế hoạch đón, tiếp nhận và cách ly y tế hơn 1.100 công dân Quảng Ngãi về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đối tượng được đưa về đợt này là người già, tàn tật; người khám chữa bệnh; học sinh trở về quê học tập; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; trẻ em dưới 5 tuổi, cùng cha, mẹ; người mất sức lao động; có hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng về quê.
Đại diện tổ công tác của UBND tỉnh Quảng Ngãi tại thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đợt này, tỉnh dự kiến phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đón 660 công dân bằng đường hàng không, chia làm 2 đợt (đợt 1 tiếp nhận công dân về từ thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 440 người; đợt 2 tiếp nhận công dân về từ thành phố Hồ Chí Minh 100 người, Bình Dương 80 người, Đồng Nai 40 người). Các chuyến đưa người hồi hương sẽ thực hiện từ ngày 16-10. Đối với đường bộ, tỉnh dự kiến đón 500 công dân (trong đó thành phố Hồ Chí Minh 300 người, Bình Dương 140 người, Đồng Nai 60 người).
“Công dân về quê đăng ký với Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Ngãi tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Riêng tỉnh Đồng Nai đăng ký trực tiếp với Công an tỉnh Quảng Ngãi (qua Zalo: Đón bà con Quảng Ngãi, số điện thoại: 0774503291); việc đăng ký và chốt danh sách hoàn thành trước ngày 13-10. Quảng Ngãi yêu cầu công dân về nơi thường trú có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương, cam kết thực hiện cách ly y tế theo quy định”, Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Ngãi tại thành phố Hồ Chí Minh Trần Đình Vinh nói.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhấn mạnh, thành phố luôn tạo điều kiện để bà con về quê một cách có tổ chức; sẵn sàng phối hợp với các địa phương phối hợp đưa người về quê.
“Trong suốt thời gian dịch bệnh phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh vẫn phối hợp đưa hàng chục nghìn người về quê. Nay, công việc này vẫn tiếp tục, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già, người có bệnh. Bà con đừng tự phát về quê… Với những người dân khác còn muốn gắn bó với thành phố, chúng tôi tha thiết mời bà con ở lại, vì thành phố đang mở dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ hội việc làm cho bà con là rất lớn”, ông Phạm Đức Hải nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.