Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023: Thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 7,5%

Trọng Ngôn| 19/06/2023 08:02

(HNM) - Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của thành phố Hồ Chí Minh đặt ra là khoảng 7,5%. Con số này đang là thách thức không nhỏ khi tăng trưởng kinh tế của thành phố trong quý I và II-2023 không đạt như kỳ vọng. Để tăng tốc tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là đầu tư công, đầu tư xã hội và kích cầu tiêu dùng.

Khách chọn mua sản phẩm tại “Hội chợ ẩm thực, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng” năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Hạnh

Ba thách thức lớn

Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh sắp kết thúc 2 quý đầu năm, chuẩn bị bước sang quý III-2023. Đây là giai đoạn có vai trò quyết định nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023 khoảng 7,5%. Trong quý I-2023, tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giảm đột ngột so cùng kỳ, vượt ngoài dự báo của các chuyên gia. Đến quý II, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng khá nhưng chỉ “kéo” lại một phần.

Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Trần Phước Tường cho biết, ước tính, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố quý II-2023 ước tăng 5,87%, cao hơn 0,15% so với cùng kỳ năm 2022. Trên cơ sở tăng trưởng quý II, GRDP trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 3,55% so cùng kỳ, mức tăng này vẫn còn thấp hơn mức tăng 6 tháng đầu năm 2022 (tăng 3,82% so cùng kỳ).

Hiện thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đang gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành da giày của thành phố thiếu đơn hàng trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu nên phải hoạt động cầm chừng. “Hiện nay, tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm tới 60-70%, thị trường nội địa cũng không khá hơn”, ông Nguyễn Văn Khánh cho hay. Đối với ngành dệt may, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết, có 10-20% số lượng doanh nghiệp hội viên phải rời thị trường do không có đơn hàng.

Theo các chuyên gia, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh gặp ba thách thức lớn là thị trường xuất khẩu khó khăn; tiêu dùng nội địa có dấu hiệu suy giảm; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng. Thực tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, tại thành phố Hồ Chí Minh có đến 18.243 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây rõ ràng là tín hiệu không tích cực đối với việc phát triển kinh tế của thành phố.

Tập trung nhiều giải pháp

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2023, thành phố có rất nhiều việc phải làm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thành phố tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể là tăng cường kích cầu tiêu dùng nội địa. Hiện khối bán buôn bán lẻ chiếm khoảng 60% doanh thu của thương mại - dịch vụ, khối này tăng trưởng sẽ giữ được nhịp tăng trưởng của thương mại - dịch vụ (chiếm khoảng 65% GRDP thành phố).

“Mùa hè là mùa du lịch, mua sắm, thành phố cần tận dụng cơ hội để tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại tập trung để tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Đây cũng là giải pháp sẽ được ngành Du lịch chú trọng trong thời gian tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Võ Minh Tuấn cũng cho biết, mùa hè năm nay là thời điểm thuận lợi để thành phố kích cầu du lịch. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh làm cầu nối kết nối hệ thống ngân hàng thương mại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Đến thời điểm này, một số ngân hàng thương mại đã sẵn sàng xem xét linh động tài sản bảo đảm nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong 6 tháng cuối năm, thành phố cũng tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các chủ trương của Trung ương, từ nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 đến các chủ trương gần đây sẽ lãnh đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết tâm đạt được chỉ tiêu đề ra. Thành phố cũng tập trung quyết liệt thị trường tiêu dùng nội địa, củng cố thị trường tại thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thành phố trong 6 tháng cuối năm. Thành phố phấn đấu đến hết tháng 6-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 35%. Song song đó, thành phố vận dụng ngay cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, kích thích các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023: Thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 7,5%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.