Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế phát triển điện mặt trời mái nhà quy mô công nghiệp. Sau những thử nghiệm thành công, thành phố đang nỗ lực mở rộng quy mô điện mặt trời mái nhà theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Những tín hiệu tích cực
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, sau khi được UBND thành phố chấp thuận chủ trương thí điểm triển khai hệ thống điện mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính từ tháng 4-2020 đến nay, ngành đã bước đầu ghi nhận kết quả đáng mừng.
Đơn cử, Sở Công Thương lắp đặt điện mặt trời mái nhà công suất 21Kwp, tổng kinh phí đầu tư khoảng 550 triệu đồng. Trước khi vận hành, tiền điện trụ sở năm 2020 là hơn 334 triệu đồng. Sau khi sử dụng năm 2021, tiền điện chỉ còn hơn 199 triệu đồng; năm 2022, dù quy mô sử dụng tăng lên, nhưng tiền điện chỉ hơn 220 triệu đồng. Tính trung bình mỗi năm, Sở tiết kiệm được khoảng 130 triệu đồng tiền điện.
UBND quận 3 lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất 31,4Kwp, kinh phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng. Trước khi có hệ thống này, tiền điện trụ sở khoảng 93 triệu đồng/tháng. Sau khi lắp đặt, tiền điện rút xuống còn khoảng 85 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, dù lượng điện tiêu thụ tăng lên, UBND quận 3 tiết kiệm được hơn 90 triệu đồng tiền điện.
Hiện nhiều công sở khác tại thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Cụ thể: Sở Khoa học và Công nghệ (công suất 20kWp), Sở Tài chính (công suất 20kWp), UBND quận 4 (công suất 34,5kWp), UBND quận 8 (công suất 22kWp); UBND quận 10 (công suất 45kWp); UBND quận 12 (công suất 80kWp); UBND quận Phú Nhuận (công suất 88kWp)...
Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hùng cho biết, tùy theo từng địa điểm, thời gian thu hồi vốn cho các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô công nghiệp khoảng từ 4 đến 8 năm. Nếu xét tuổi thọ trung bình của hệ thống pin mặt trời là 20 năm, những dự án này có hiệu quả đầu tư khá tốt, góp phần phát triển bền vững…
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC), thành phố nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 (mùa mưa) đến 300 giờ (mùa khô). Hiệu quả điện mặt trời tại thành phố ước tính trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm (cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7). Vì vậy, tiềm năng phát triển điện mặt trời là rất lớn.
Sẽ triển khai rộng khắp
Cũng theo tính toán của EVNHCMC, thành phố có 4 nhóm đối tượng có thể phát triển điện mặt trời mái nhà gồm: Nhóm trụ sở cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất (nhà máy, công xưởng) chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ (trung tâm thương mại, chợ...) chiếm 3,1% và nhóm mái nhà hộ gia đình chiếm 62,34%. Đặc biệt, hệ thống lưới điện của thành phố bảo đảm giải tỏa hết công suất điện mặt trời mái nhà, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã quy định: UBND thành phố quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó. Vì vậy, sau thí điểm, thành phố sẽ triển khai rộng khắp chủ trương này.
Cụ thể, Sở Công Thương đã hoàn thành dự thảo đề án phát triển điện mặt trời tại các công sở trình UBND thành phố xem xét. Theo đó, dự kiến triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà tại 440 công sở, tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 650 tỷ đồng. Trong số này, có 137 trụ sở đơn vị Quân đội, Công an với tổng công suất hơn 16,1 MWp; 57 trụ sở bệnh viện trọng điểm với tổng công suất hơn 9,5 MWp; 246 trụ sở UBND quận huyện, các sở, ngành và một số đơn vị với công suất gần 21,8 MWp.
“Hiện thành phố đang chờ Chính phủ ban hành nghị định của Chính phủ (đang được Bộ Công Thương xây dựng, tham mưu) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho công xưởng, nhà dân theo tinh thần Nghị quyết 98... để thực hiện. Nhiều doanh nghiệp cũng đang chờ đợi chính sách này để có được chứng chỉ xanh trong sản xuất, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) thông tin.
Tuy nhiên trước mắt, thành phố cũng gặp một số khó khăn trong triển khai chính sách này. Cụ thể, trong 1.800 công sở đã được rà soát có khả năng lắp điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 170MWp, có những nơi diện tích nhỏ; việc lắp pin mặt trời kín mái có thể gây khó khăn cho cứu hộ nếu xảy ra sự cố… Vì vậy, thành phố chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà không chạy theo số lượng mà cần cân nhắc kỹ, vừa bảo đảm hiệu quả, vừa đạt yêu cầu về an toàn vận hành và mỹ quan đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thành phố phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Tính đến đầu năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 14.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt với tổng công suất hơn 358 MWp, chiếm 7,82% so với công suất đỉnh năm 2021 (4.580 MW) của lưới điện thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.