Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Mong tái thí điểm đầu tư BOT trên một số đường hiện hữu

An Tôn| 02/03/2023 11:43

(HNMO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tham mưu Thường trực Chính phủ xem xét hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét. Đáng chú ý, Bộ đồng thuận để thành phố được thí điểm triển khai 2 dự án BOT mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội cho phát triển hạ tầng.

Gần 6km quốc lộ 13 qua thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng, do chưa huy động được kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Hai dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu thư tham mưu Thường trực Chính phủ xem xét, đề xuất cho thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm gồm nâng cấp mở rộng gần 6km đoạn quốc lộ 13 qua thành phố Thủ Đức (tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, mở rộng mặt đường từ 19m lên 60m) và dự án đường trên cao số 5 (có chiều dài 34 km). Quy mô mặt cắt ngang của tuyến là 31,5m, đi trùng với đường Vành đai 2 (quốc lộ 1). Giai đoạn 1, đường trên cao số 5 dài khoảng 21,5 km, mức đầu tư gần 15.500 tỷ đồng.

Đây là 2 trong số 6 dự án hạ tầng giao thông mà thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư BOT (Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh) trên đường hiện hữu với tổng số vốn lên đến gần 100.000 tỷ đồng.

Với vai trò là tuyến đường huyết mạch của vùng, từ năm 2002, thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn tuyến quốc lộ 13 qua địa bàn. Khi đó, tổng mức đầu tư ước tính hơn 4.000 tỷ đồng (bao gồm 2.500 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, do nhiều lý do, Bộ Giao thông – Vận tải chưa thể triển khai dự án. Hiện tại, nếu mở rộng đoạn tuyến theo quy mô thiết kế, tổng mức đầu tư lên đến gần 12.200 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, tổng mức đầu tư tăng là do mức bồi thường giải tỏa quá lớn, càng để lâu càng tăng. Trong bối cảnh thành phố đang phải dồn lực cho hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng khác thì số tiền gần 12.200 tỷ đồng là rất lớn, chỉ có thể có nếu Trung ương tăng vốn đầu tư công trung hạn cho thành phố hoặc cho thành phố tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách hằng năm.

Tỉnh Bình Dương đã áp dụng hình thức đầu tư BOT để nâng cấp, mở rộng 60km đoạn quốc lộ 13 qua địa bàn, thành Đại lộ Bình Dương nổi tiếng.

Ông Trần Quang Lâm chia sẻ, trong bối cảnh ấy, việc được thí điểm hình thức đầu tư BOT cho một số dự án trọng điểm sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh huy động được nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, phát huy hiệu quả như nhiều dự án BOT Xa lộ Hà Nội mà thành phố từng triển khai. Một trong những điều quan trọng là xác định chi tiết tổng mức đầu tư, thời gian thu phí và điểm đặt trạm thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư trên quãng đường ngắn này

Trước thời điểm năm 2017 (vẫn được áp dụng BOT trên đường hiện hữu), tỉnh Bình Dương đã huy động nguồn lực xã hội mở rộng 60km quốc lộ 13 chật hẹp thành đại lộ Bình Dương rộng 8 làn xe rộng đẹp. Đây vừa là biểu tượng cho sự chủ động sáng tạo của tỉnh Bình Dương, đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh, vừa minh chứng cho việc phát huy tính hiệu quả của cơ chế, chính sách vào thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Mong tái thí điểm đầu tư BOT trên một số đường hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.