Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc sớm đà suy giảm, tăng tốc phát triển kinh tế

Nguyễn Lê| 03/03/2023 11:33

(HNMO) - Trong tháng 2-2023, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh suy giảm so với tháng trước, thành phố quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tháng 3 và các tháng tiếp theo để sớm tăng tốc.

Sáng nay (3-3), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2023; nhiệm vụ, giải pháp tháng 3-2023.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp.

Kinh tế suy giảm trong tháng 2-2023

Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2-2023 trên địa bàn ước đạt khoảng 85.804 tỷ đồng, giảm 5,2% so với tháng trước.

Lý giải về sự suy giảm này, các sở, ngành chức năng cho biết, bước sang tháng 2, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí bớt hẳn nhộn nhịp nên doanh thu bán lẻ hàng hóa, lưu trú và ăn uống cũng như du lịch lữ hành có mức giảm khá cao (tương ứng -8,3%; -3,2% và -27,1%). 

Tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm so với tháng 1-2023 nhưng vẫn tăng so với tháng 2-2022. Nhờ vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 176.340 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%).

Đánh giá về tình hình bán buôn, bán lẻ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong tháng 2-2023, sức mua có chững lại ở một số nhóm hàng hóa. Người đứng đầu Sở Công Thương đề nghị thành phố xem xét tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng bởi đây là giai đoạn cần duy trì phát triển khối bán buôn, bán lẻ.

Về xuất nhập khẩu, lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%); tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 11 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%). Thành phố nhập siêu khá cao (3,5 tỷ USD) trong 2 tháng đầu năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2-2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 5.315 doanh nghiệp. Trong khi đó, có 11.324 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (gần gấp đôi số doanh nghiệp thành lập mới). Tổng số doanh nghiệp trên hệ thống hiện tại là 521.230 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 10.007.654 tỷ đồng.

Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), trong 2 tháng đầu năm, các dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 103 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 99 triệu USD (tăng hơn 47% số dự án và tăng 24,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được khoảng 369 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 2 tháng đầu năm, thành phố đã đón tiếp và làm việc với 9 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, trao đổi các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư. Đây là tín hiệu tốt để thành phố thu hút các dự án mới trong thời gian tới.

Mặc dù kinh tế tháng 2 có suy giảm, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố ước đạt hơn 93.150 tỷ đồng, đạt hơn 19,8% dự toán năm và tăng hơn 5,9% so với cùng kỳ.

Toàn cảnh cuộc họp.

Kết thúc sớm đà suy giảm để tăng tốc sớm hơn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, đà suy giảm kinh tế từ quý IV-2022 sẽ còn ảnh hưởng đến hết quý I, thậm chí còn kéo dài đến quý II-2023. Mặc dù vậy, kết quả kinh tế - xã hội của thành phố trong 2 tháng đầu năm vẫn đạt khá so với dự báo và chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là kết thúc sớm đà suy giảm kinh tế để tăng tốc sớm hơn. Trước mắt, thành phố phải tập trung các giải pháp để ổn định phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất từ những biến động có thể xảy ra.

Người đứng đầu UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung 6 nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đặt ra tại các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố. Trong tháng 3-2023, phải tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng, hồ sơ nào chưa kịp thì phải lên lộ trình giải quyết.

Thứ hai, tập trung giải quyết khó khăn ở nhóm ngành bất động sản; sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thành phố; phát triển 4 ngành công nghiệp, 9 ngành dịch vụ và những ngành có đóng góp lớn vào GRDP của thành phố.

Thứ ba, tập trung tháo gỡ bất cập trong mua sắm thiết bị y tế; tăng tốc đầu tư cho giáo dục, y tế.

Thứ tư, tiếp tục các chương trình kích cầu tiêu dùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công vụ. Hiện thành phố đã có cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Tuy vậy, cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, rõ thời gian, tránh đùn đẩy trách nhiệm, hành động quyết liệt, kịp thời. Ngay trong quý I-2023, thành phố sẽ công bố thông tin minh bạch trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ hành chính, rõ trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có cả trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố.

Thứ sáu, trong quý I-2023, thành phố quyết tâm hoàn thành dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ, để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ năm, dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc sớm đà suy giảm, tăng tốc phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.