Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội

Trọng Ngôn| 17/12/2021 08:07

(HNM) - Tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 là 21%, tăng 3% so với năm 2021, qua đó thành phố sẽ có thêm gần 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này rất khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố, nhất là về hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, đẩy mạnh huy động đầu tư từ xã hội là rất cần thiết để thành phố có thêm nguồn lực phát triển.

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyễn Lê

Thiếu vốn khiến nhiều dự án đình trệ

Dự án đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh (dài 64km) sau 14 năm thực hiện mới chỉ thi công được 50km, còn 14km chưa thể hoàn thành. Đây là dự án được lãnh đạo và người dân thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm bởi tuyến đường này có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông của thành phố, giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Anh Ngô Tuấn Tài (ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) chia sẻ: "Hằng ngày, tôi phải đi làm từ đường Phạm Văn Đồng đến xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện nên tôi phải đi vòng rất xa. Tôi mong chờ đường Vành đai 2 hoàn thành toàn tuyến, kết nối xa lộ Hà Nội với đường Phạm Văn Đồng, để rút ngắn thời gian di chuyển”.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để hoàn thành tuyến đường quan trọng này, thành phố cần có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội.

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025, thành phố cần 675.000 tỷ đồng để đầu tư 9 nhóm dự án hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng hơn 70.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại hơn 600.000 tỷ đồng cần phải kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức xã hội hóa. Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông tại thành phố dù được xác định ưu tiên thực hiện nhưng chưa thể khởi công mà nguyên nhân cơ bản là chưa huy động được nguồn vốn. Đơn cử, dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, mở rộng quốc lộ 50 qua địa bàn thành phố... có vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng với các tỉnh lân cận và giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô nhưng chưa thể triển khai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong cơ cấu đầu tư phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, gần 80% là đầu tư ngoài nhà nước. Tuy vậy, dù nguồn lực từ xã hội rất lớn nhưng những năm qua thành phố chưa huy động được tối đa để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển.

Khơi thông các nguồn lực

Theo Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hồ Chí Minh là 21% (cao hơn 3% so với năm 2021). Như vậy, năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm gần 6.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Với ngân sách địa phương, thành phố có khoản đầu tư công trên 51.000 tỷ đồng trong năm 2022 (nguồn vốn đầu tư công những năm trước chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn phục vụ đầu tư phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, nguồn ngân sách trên rất khiêm tốn. Vì vậy, thành phố xác định nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ là “vốn mồi” để huy động các nguồn vốn khác từ xã hội. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), mỗi đồng vốn đầu tư công tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hút 10 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Đây là lợi thế lớn, thành phố cần tận dụng để huy động nguồn lực phát triển.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển, thành phố đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, thành phố tận dụng nguồn lực đất đai (điều chỉnh quy hoạch đô thị, đấu giá quỹ đất công, quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản); phát triển thị trường tài chính thành phố minh bạch, hiệu quả để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước; xã hội hóa trong đầu tư, trọng tâm là phương thức hợp tác công tư (PPP) khi phương thức này đã có hành lang pháp lý chặt chẽ.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2022 tăng trưởng 6-6,5%; giai đoạn 2021-2025, GRDP tăng bình quân hằng năm là 8%. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đồ thị tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tới theo hình chữ V là hoàn toàn thực hiện được.

“Thành phố xác định nguồn lực xã hội giữ vai trò rất quan trọng phục vụ đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế. Để khơi thông nguồn lực này, giải pháp căn cơ là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.