(HNM) - Trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư, nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng đạt thấp nhất trong nhiều năm qua. Để sớm phục hồi nền kinh tế, chủ động ứng phó các rủi ro trong tương lai, giữ mạch tăng trưởng nhanh và bền vững, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp, tạo hành lang, cơ chế, chính sách thuận lợi để huy động mọi nguồn lực...
Tháo gỡ rào cản để tăng tốc sản xuất, kinh doanh
Trong 9 tháng năm 2021, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh đều chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhiều chỉ số kinh tế giảm sâu, nhất là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm 4,98%. Tại hội nghị Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lần thứ chín vừa diễn ra mới đây, các đại biểu đã nhận định, kinh tế thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch lần thứ tư. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng trong tháng 9-2021 quy mô nền kinh tế thành phố còn chưa vận hành đến 50%.
Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho rằng, vấn đề doanh nghiệp mong muốn trong thời điểm này là gỡ bỏ các điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Điều này có vai trò quyết định đến khả năng hoàn thành kế hoạch trong những tháng cuối năm 2021 của cộng đồng doanh nghiệp...
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cho rằng, khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho kinh tế thành phố phục hồi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đầu quý IV-2021, khả năng phục hồi kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, dịch vụ kho bãi, dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn tồn tại không ít lực cản, như: Tốc độ ban hành chính sách và độ trễ tác động đến môi trường sản xuất, kinh doanh; khả năng thích nghi, chấp nhận mô hình mới, cấu trúc mới của doanh nghiệp… Ngoài ra, cần có lộ trình chính sách rõ ràng, mang tính ổn định, đồng bộ để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi trong dài hạn.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư của xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng, tập trung vào 2 mục tiêu: Phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái nhập thị trường; thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình số hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu đầu tư công của thành phố trong 4 năm tới (2022-2025) tương đương với mức đầu tư công giai đoạn 2010-2020 thì thành phố sẽ có đòn bẩy giúp kinh tế bật lên mạnh mẽ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2020 cho thấy, cứ Nhà nước đầu tư 1 đồng thì xã hội đầu tư từ 8 đến 10 đồng. Như vậy, nếu Nhà nước đầu tư 50.000 tỷ đồng thì đầu tư từ xã hội có thể lên tới trên 400.000 tỷ đồng, tương đương tổng thu ngân sách nhà nước 1 năm của thành phố. Vì vậy, thành phố cần xác định trọng tâm phục hồi kinh tế trong dài hạn là việc huy động mọi nguồn lực đầu tư của xã hội...
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, với việc thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa từng bước từ đầu tháng 10, kinh tế quý IV-2021 kỳ vọng tăng trưởng dương. Nếu tăng trưởng quý IV đạt 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của thành phố cần được “trợ lực” bằng sự song hành của chính sách tiền tệ và tài khóa, đó là: Tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, bảo đảm thanh khoản dồi dào; kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao được tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025).
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 10 này, thành phố sẽ hoàn chỉnh dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 để trình Thành ủy, HĐND thành phố thông qua. Nhằm khắc phục độ trễ tác động của chính sách, thành phố sẽ triển khai thực hiện kế hoạch theo tinh thần “vừa thiết kế, vừa thi công”. Trong quá trình thực hiện, thành phố tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.