Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả từ chương trình kích cầu đầu tư

Tuệ Diễm| 23/08/2019 07:35

(HNM) - Chương trình kích cầu đầu tư là chính sách đặc biệt của riêng thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ. Nhờ sử dụng ngân sách hỗ trợ hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và chăm lo các vấn đề an sinh xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ vốn đầu tư để Bệnh viện Bình Dân mua robot phẫu thuật.

Doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn 

Chính sách kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư ở 4 lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, y tế - giáo dục, môi trường và hạ tầng. Theo đó, khi doanh nghiệp vay vốn kinh doanh ở các tổ chức tín dụng, thành phố sẽ chi ngân sách hỗ trợ lãi vay với mức tương đương mức trung bình lãi suất huy động thời hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Riêng vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng giáo dục, được thành phố hỗ trợ 100% lãi suất.

Từ chương trình kích cầu đầu tư này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn. Giai đoạn 2011-2015, thông qua chương trình kích cầu đầu tư, thành phố đã phê duyệt 127 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 10.881 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 5.243 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, với chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay thông thoáng hơn, thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.789 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 11.029 tỷ đồng. Đến nay, số tiền thành phố đã giải ngân để hỗ trợ chi trả lãi vay cho doanh nghiệp là 3.885 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit (quận Thủ Đức) chia sẻ: “Được hỗ trợ lãi suất, chúng tôi đã vay vốn đầu tư thay đổi công nghệ nhà máy, nhờ đó thị trường xuất khẩu được mở rộng, doanh thu hằng năm tăng từ 5% đến 6%". Tương tự, ông Nguyễn Ngô Long, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long (quận 9) cho biết: “Từ một doanh nghiệp nhỏ, sau khi nhận vốn kích cầu, chúng tôi tiến hành tái cơ cấu, nâng cao năng lực doanh nghiệp, thiết bị, công nghệ, trở thành đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện công nghiệp cho nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước”.

Nhiều bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh được vay vốn kích cầu, mạnh dạn mua sắm trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân thành phố. Điển hình như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy được hỗ trợ toàn bộ lãi vay để đầu tư mua robot phẫu thuật nội soi hiện đại, Bệnh viện quận 2 được đầu tư mua 25 trang thiết bị y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, hiện mỗi ngày, bệnh viện đón khám từ 3.000 đến 4.000 bệnh nhân, cấp cứu trên 400 bệnh nhân và là một trong những trung tâm điều trị đột quỵ đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh. 50% thiết bị của bệnh viện được vay vốn theo chương trình kích cầu của thành phố.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Hiện vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp muốn được tham gia chương trình cho vay kích cầu này, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp mong có vốn để đầu tư công nghệ mới. Tuy nhiên, chương trình kích cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 đang giới hạn mức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp với khoản vay tối đa 100 tỷ đồng, nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của xã hội.

Để khắc phục vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “UBND thành phố đã tổng hợp tình hình thực tế, trình HĐND xem xét, thông qua việc tăng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất lên 200 tỷ đồng, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Để gỡ khó và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi, nhất là với các doanh nghiệp sáng tạo ứng dụng, phần mềm... ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng thương mại, cho phép thế chấp bằng dòng tiền của doanh nghiệp thay thế chấp bằng tài sản. Doanh nghiệp chỉ cần chứng minh nguồn tài chính công khai, minh bạch, ngân hàng quản lý được dòng tiền là được vay. Thực tế trong chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng thì việc cho vay thế chấp dòng tiền ngày càng phổ biến, hiện chiếm khoảng 15% tổng dự án vay”.

Đánh giá về thành quả hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong chương trình kích cầu đầu tư thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Chương trình kích cầu đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Cứ 1 đồng ngân sách thành phố bỏ ra, chúng ta thu hút được khoảng 14 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Nhờ đó, doanh nghiệp phát huy được thế mạnh sản xuất. Cũng nhờ chương trình này, thành phố huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư hạ tầng, dân sinh phục vụ cộng đồng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả từ chương trình kích cầu đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.