(HNM) - Tính đến đầu tháng 11-2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cơ bản được phục hồi sau hơn một tháng chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Các doanh nghiệp tự tin mở rộng sản xuất, tiếp nhận đơn hàng mới trong năm 2022, góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Vẫn duy trì sản xuất dù có ca F0
Ông Huỳnh Minh Đức, đại diện công đoàn Công ty cổ phần Savipharm (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cho biết, sau khi công ty dừng phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, chuyển sang “sản xuất an toàn”, tất cả người lao động đã quay trở lại làm việc.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định (thành phố Thủ Đức) đang tăng tốc sản xuất để kịp các đơn hàng cuối năm thì xuất hiện ca F0 trong nhà máy. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của công ty vẫn không bị gián đoạn nhờ thiết lập khu cách ly ngay tại nhà máy. Những F1 tiếp xúc với ca F0 này sau 1 ngày sàng lọc, vẫn tham gia sản xuất bình thường.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung cho biết, nhờ chủ động phương án “sản xuất an toàn”, công ty bảo đảm được số lượng lao động làm việc trong nhà máy, kịp hoàn thành các đơn hàng cuối năm và tự tin nhận đơn hàng mới đến tháng 6-2022.
Theo thống kê, hiện có 96% số doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại theo phương thức “sản xuất an toàn”. Trong khi đó, có 80% người lao động trong tổng số khoảng 320.000 lao động đã quay trở lại nhà máy. Hiện một số nhà máy tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao vẫn xuất hiện F0. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp tại đây vẫn duy trì sản xuất trong điều kiện an toàn theo quy định của thành phố.
Chị Nguyễn Thị Mai Nhiệm, công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) chia sẻ: “Tôi quay lại công ty làm việc hơn một tháng nay sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và thấy an tâm hơn khi tại phân xưởng có quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt”.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh phân tích, thông thường cứ một ca F0 thì có 5-10 trường hợp F1. Trước đây, các F1 phải cách ly đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm đủ số lao động tham gia sản xuất. Hiện nay, việc cho phép F1 đã tiêm đủ liều vắc xin được làm việc bình thường giúp doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động dù nhà máy xuất hiện ca F0.
Sản xuất an toàn, bền vững
Sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn thành phố theo tinh thần tạo điều kiện chủ động trong công tác phòng, chống dịch từ nguồn lực của doanh nghiệp.
Thực hiện bộ Tiêu chí, Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư, đưa vào sử dụng khu cách ly và chăm sóc F0 là công nhân đặt tại khu công nghệ cao. Kinh phí do các doanh nghiệp có công nhân phải cách ly chi trả.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp tại khu công nghệ cao luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch, nhờ đó dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục trong bối cảnh thành phố chủ trương “sống chung” với dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố còn thành lập 2 khu cách ly tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức), Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) và tiếp tục triển khai tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên địa bàn.
Để thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh quy định, nếu doanh nghiệp đạt trên 80% người lao động đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 thì không phải dừng hoạt động sản xuất nếu phát hiện F0 trong nhà máy. Bên cạnh đó, F1 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (tiếp xúc F0) vẫn được tiếp tục tham gia sản xuất. Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thông tin, những quy định mới về phòng, chống dịch đã giúp các doanh nghiệp tự tin từng bước mở rộng quy mô sản xuất.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, các tháng cuối năm 2021 là thời gian rất quan trọng để kinh tế thành phố phục hồi tăng trưởng, bù đắp lại sự suy giảm khi siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải hết sức tập trung hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp, tăng tính chủ động, linh hoạt trong phòng, chống dịch. Qua đó, giữ vững, không để gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “sản xuất an toàn” trên cơ sở các quy định phòng, chống dịch đã được ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.