Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công từ đam mê, khổ luyện

Minh An| 31/03/2017 05:34

(HNM) - “Có thể còn nhiều thua thiệt so với không ít đồng nghiệp nhưng em luôn tin rằng sự đam mê, khổ luyện và một chút may mắn đã mang thành công đến với em” - đó là chia sẻ của vận động viên Nguyễn Tuấn Đạt.


"Chiến đấu" với những hạn chế hình thể

Ngày thường, muốn ngồi lâu với Nguyễn Tuấn Đạt sau mỗi buổi tập cũng rất khó. Có lần, Đạt kể rằng: “Quả thực, em chỉ có 45 phút thôi, còn sau đó đến giờ ăn. Đã theo chuyên nghiệp thì phải ăn, tập, ngủ đúng giờ”. Ý thức “ăn, ngủ đúng giờ” ấy đã trở thành nếp với Nguyễn Tuấn Đạt từ khi em được gia đình đồng ý và quyết định cho theo đuổi con đường vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp. Từ thời điểm đó đến giờ đã được 20 năm.

Huấn luyện viên Trương Tuấn Hiền có ảnh hưởng lớn tới thành công của Nguyễn Tuấn Đạt (phải).


Tìm hiểu câu chuyện đến với con đường VĐV chuyên nghiệp của Đạt mới hay thể dục dụng cụ (TDDC) Hà Nội “bắt” được Đạt như cơ duyên. Đấy là vào năm 1997, khi cậu bé còi cọc, hay ốm vặt Nguyễn Tuấn Đạt được bố mẹ đưa đến tập luyện tại bộ môn TDDC Hà Nội ở khu Quần Ngựa (quận Ba Đình). Ước mong của bố mẹ Đạt cũng chỉ là để con đỡ ốm. Ít ai ngờ, em lại gắn bó với TDDC Hà Nội đến bây giờ.

Tuấn Đạt không được trời phú cho một cơ thể đáp ứng ngay yêu cầu của môn TDDC. Độ mở chân và tay của Đạt không tốt, khiến chân, tay luôn bị co khi “vào” động tác. Mà trong TDDC, những trường hợp như vậy sẽ bị trừ điểm nặng. Các huấn luyện viên Hà Nội từng nghĩ phải sớm giải quyết được vấn đề về tư thế của em nhưng rồi đến khi chuẩn bị đủ tuổi thi đấu (18 tuổi), Đạt vẫn không thể trình diễn những động tác cơ bản chuẩn như nhiều đồng nghiệp. Chính điều ấy khiến Đạt không được đầu tư mạnh như lứa VĐV Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng. Đến lúc ấy, các HLV mới phải ra các bài tập chuyên biệt để cứu vãn sự nghiệp thi đấu của Đạt.

Còn chính Đạt cũng phải tự "chiến đấu" với những hạn chế về hình thể để tìm cơ hội khẳng định mình. Thế là, sau mỗi buổi tập, em thường dành ít nhất nửa giờ để tập những động tác bổ trợ tư thế cơ bản (chân tay duỗi thẳng) trong bài trình diễn. Đạt tâm sự: "Phải đến năm 17 tuổi em mới chuyên tâm giải quyết những động tác đúng ra phải làm được từ năm lên 7. Biết là muộn nhưng em không thể sốt ruột, phải kiên nhẫn từng giờ, từng ngày tập để giải quyết. Cũng có lúc em đã phải tự hỏi rằng đến bao giờ mình mới có thể thực hiện chuẩn xác những động tác đó...".

Nhưng rồi những khổ luyện đó đã giúp Đạt chiến thắng "khiếm khuyết" bản thân. Đến bây giờ các động tác chân, tay của Đạt đã chuẩn xác như nhiều VĐV khác, nhưng em cho biết, vẫn phải dành thời gian tập bổ trợ nhiều hơn để đạt mức cao hơn trong từng động tác.

Động tác mang tên “Shirai Nguyễn”

Tại SEA Games 2011 ở Indonesia, lần đầu tiên Nguyễn Tuấn Đạt giành được tấm Huy chương vàng (HCV) cá nhân ở nội dung nhảy chống. Sau đó, Đạt cùng đồng đội giành tấm HCV đồng đội nam. Khi nhận những tấm HCV ấy, Đạt lâng lâng hạnh phúc vì trước đó em nghĩ rằng được góp mặt ở sân chơi này đã là rất may mắn.

Chính những tấm HCV ấy đã là động lực để cậu bé ốm yếu ngày nào phấn đấu, dần khẳng định mình trên bước đường VĐV chuyên nghiệp và vào năm 2013, không chỉ nhiều người trong nghề mà ngay cả Liên đoàn TDDC cũng phải nể phục. Khi đó, tại Giải Vô địch TDDC thế giới, Nguyễn Tuấn Đạt và VĐV người Nhật Bản Kenzo Shirai đã thực hiện thành công ngoài mong đợi động tác quay 4 vòng trên không ở bài thể dục tự do.

Động tác tuyệt đẹp và đầy sáng tạo, thể hiện sự không giới hạn của con người ấy đã được Liên đoàn TDDC thế giới đưa vào sách kỹ thuật phổ biến khắp thế giới mang tên “Shirai Nguyễn”. Nhờ đó, Nguyễn Tuấn Đạt cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên có động tác kỹ thuật được Liên đoàn TDDC thế giới đưa vào sách kỹ thuật - mà hiện nay trên thế giới có rất ít VĐV thực hiện được động tác khó nói trên.

Chia sẻ về động tác kỹ thuật mang tên mình, Đạt nói: "Để có thể trình diễn được động tác đó, em đã mất hơn một năm tập luyện, chuẩn bị. Ý định quay 4 vòng trên không đến từ một buổi tập nhún trên đệm để quay trên không và khi đó em thấy có thể làm được. Khi xem sách kỹ thuật của Liên đoàn TDDC thế giới, thấy chưa có động tác này nên em càng quyết tâm tập rồi đăng ký với Liên đoàn ở giải vô địch thế giới năm 2013. Sự sáng tạo ấy đã được huấn luyện viên trưởng đội tuyển nam quốc gia Trương Tuấn Hiền “tiếp sức”, tư vấn nên em càng quyết tâm thực hiện bằng được".

Theo chia sẻ của huấn luyện viên Trương Tuấn Hiền, động tác quay 4 vòng trên không rất khó, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ tốc độ, độ bật nhảy, sức mạnh… nên câu chuyện tập luyện của Đạt khi đó thật khó tin. Nhưng rồi sự khổ luyện của Đạt đã được đáp đền.

Nhưng sau thành công ấy, Đạt lại rơi vào giai đoạn khó khăn. Tất cả đều bắt nguồn từ tư thế không chuẩn mực trước kia của chính em. Vừa lo tư thế chuẩn vừa lo độ khó cho bài thi khiến Đạt bị loạn động tác, nhất là ở bài nhảy chống sở trường của mình. Những khi ấy, chỉ huấn luyện viên Trương Tuấn Hiền vẫn tin rằng cậu học trò giàu nghị lực của mình có thể vượt qua những khó khăn.

Để giúp Đạt, huấn luyện viên Trương Tuấn Hiền đã đưa ra những thay đổi cho bài tập. Ví như, thay vì lộn hai vòng trước khi tiếp xúc với cầu nhảy thì HLV gợi ý bắt vào cầu luôn rồi quay hai vòng rưỡi trên không trước khi tiếp đất. Đó là yêu cầu khó bởi trong TDDC, để có động tác ổn định phải mất nhiều năm khổ luyện. Nhưng nếu không thay đổi, Đạt khó có thể bám trụ với nghiệp VĐV.

“Lúc đó, thầy Hiền chỉ bảo em rằng hãy cố gắng phát huy khả năng và cho em niềm tin có thể hoàn thành động tác trong thời gian ngắn. Chính điều đó giúp em quên hẳn nỗi lo về tư thế để chuyên tâm tập động tác mới. Và cuối cùng thành công đã đến với em" - Đạt chia sẻ.

Với sự chỉ bảo tận tình của những người thầy tâm huyết, tài giỏi, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và ý nghĩ “không gì là không thể” đã giúp Đạt giành HCV bài thi nhảy chống ở Cúp thế giới tại Szombathely (Hungary) cuối năm 2016 trong sự bất ngờ của giới chuyên môn TDDC Việt Nam.

Để có đủ cả HCV tại Cúp thế giới, HCV SEA Games 2011, HCV quốc gia và lưu danh trong sách kỹ thuật của Liên đoàn TDDC thế giới, với một VĐV có những hạn chế bẩm sinh như vậy, đấy quả là một kỳ tích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công từ đam mê, khổ luyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.