(HNM) - Trường Sa những ngày tháng Tư thật đặc biệt khi đây là thời điểm biển dịu êm nhất, mang lại sự bình yên hiền hòa.
Chiến công hiển hách
Trung tuần tháng Tư, con tàu HQ 571 vang lên ba hồi còi tàu và nhổ neo rời cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa thân yêu. Điểm đến đầu tiên của hành trình là đảo Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử. Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua hơn 400 hải lý thì Song Tử Tây đã thấp thoáng xa xa. Đêm trước đó, đoàn công tác số 6 của chúng tôi gần 200 người đều nôn nao không sao ngủ được, ai cũng mong trời mau sáng để được đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nên, dù đã được thông báo là 6h mới bắt đầu xuống ca nô di chuyển vào đảo nhưng chưa đến 5h, vầng dương còn chưa ló rạng, mọi thành viên trong đoàn công tác đều đã tràn ra lan can tàu hướng về phía cái chấm nhỏ xanh sẫm thấp thoáng xa xa sau chân sóng, nôn nao đếm từng phút…
Đảo Song Tử Tây hôm nay. |
Thật bất ngờ khi nhìn từ xa, Song Tử Tây như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cây cỏ hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên sự bình yên giữa chập chùng sóng nước. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử, 4h ngày 11-4-1975, đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công hải quân, một bộ phận Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 và biên đội gồm 3 tàu 673, 674 và 675 của Đoàn 125 (đoàn tàu không số) do Thiếu tướng Mai Năng - khi ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công hải quân - trực tiếp chỉ huy thẳng tiến Trường Sa. Để ngụy trang, 3 con tàu được cải dạng thành tàu đánh cá. Phía trên tàu là lưới, ngư cụ dùng để nghi binh, còn toàn thể cán bộ, chiến sĩ đặc công nằm ở hầm tàu. Do các đảo cách xa nhau, trong khi lực lượng ta chỉ có 3 tàu nên đã chọn cách đánh lần lượt từng đảo và Song Tử Tây là đảo được chọn giải phóng đầu tiên. Sau ba ngày hành quân trên biển, rạng sáng 14-4, các chiến sĩ ta đã bí mật áp sát Song Tử Tây. 3h55, các mũi đã tiếp cận, áp sát mục tiêu. Đúng 4h ta bắt đầu nổ súng và chỉ sau gần 20 phút chiến đấu, địch phải đầu hàng. 4h20, cờ giải phóng tung bay trên đảo. Song Tử Tây được giải phóng làm cho quân địch trên toàn quần đảo hoang mang dao động. Chớp thời cơ, vào lúc 0h30 ngày 25-4, hai tàu 673 và 641 do thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy tiếp tục thẳng tiến đến đảo Sơn Ca. 3h sáng 25-4-1975, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca. Ngày 27- 4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 29-4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sắt son bảo vệ chủ quyền
Gần 40 năm sau ngày giải phóng, đảo Song Tử Tây đã thay đổi khá nhiều. Ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, đêm đêm cần mẫn tỏa sáng dẫn đường cho những con tàu của ngư dân vượt sóng ra khơi. Thật bất ngờ khi thấy đảo không khác gì đất liền, với những cây bàng vuông, phi lao, phong ba,… rợp bóng mát và những ngôi nhà ríu rít tiếng trẻ em.
Các chiến sĩ trồng rau xanh trên đảo Sơn Ca. |
Hành trình của chúng tôi tiếp tục qua đảo Sơn Ca. Đảo cát năm nào giờ đã được xây kè chắn sóng kiên cố xung quanh và những bàn tay cần mẫn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã làm nên một hòn đảo xanh căng tràn sức sống. Nhiều công trình quốc phòng kết hợp dân sinh được xây dựng… Khi màn đêm xuống, đảo Sơn Ca như một thành phố lung linh huyền diệu giữa biển nước bao la Trường Sa.
Ngày thứ 7 của cuộc hành trình, chúng tôi đặt chân lên thị trấn Trường Sa, được mệnh danh là "Thủ đô" của huyện đảo Trường Sa. Hòn đảo xinh đẹp, xanh tươi nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Chiếc cầu cảng dài 150m được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay vạm vỡ, vững chãi vươn ra đón nhận những con tàu từ đất mẹ vượt muôn trùng sóng gió để đến với hòn đảo thân yêu. Một cán bộ thuộc lớp "tiền bối" của Quân chủng Hải quân "khoe" với cánh báo chí: "Đảo bây giờ khác trước nhiều lắm. Những năm sau bảy lăm (1975), đảo gần như trống trơn, đứng ở mé bên này có thể trông sang phía bên kia". Quả thật bộ mặt của đảo cũng như đời sống của cán bộ, chiến sĩ đã thay đổi rất nhiều. Từ nơi ăn chốn ở cho tới trận địa tác chiến, tất tật đều đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Với ý chí và nghị lực của quân dân trên đảo, “đảo trắng” ngày nào đã thành một ốc đảo xanh tươi, rợp bóng các loại cây như bàng vuông, phong ba, dừa, đu đủ và các loại rau xanh… Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng như sân bay, trạm thu phát tín hiệu qua vệ tinh, đài khí tượng hải đăng, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, bệnh viện, trường học, Nhà khách Thủ đô… đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo, đưa đảo về gần với đất liền hơn. Nhìn hòn đảo khang trang, lại nhớ lúc ở Song Tử Tây, Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên xã đảo cho biết, những thay đổi của đảo khiến những cán bộ, chiến sĩ và những người dân đang tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cảm thấy rất hạnh phúc, đồng thời thấy trách nhiệm của mình càng cao cả để xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Thượng tá Bình xúc động nói: "Chúng tôi luôn luôn tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt với truyền thống bảo vệ chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo và xin hứa lời hứa sắt son là sẽ vượt qua mọi gian khó để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Suốt chuyến hành trình, chúng tôi đã được đặt chân đến 11 đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong hành trình, như thường lệ đoàn dừng lại vùng đảo Cô Lin - Gạc Ma để dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo ngày 14-3-1988. Trong không khí thiêng liêng giữa bao la trời biển, những lời tri ân các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của Trưởng đoàn Trần Minh Tuấn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thêm một lần nữa khẳng định, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Trường Sa và Hoàng Sa luôn là phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời, không thể chia cắt. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim, trí tuệ của mỗi người dân Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.