Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu để sớm khắc phục (tiếp theo và hết)

Phong Thu| 05/12/2014 06:20

Chưa đồng bộ, quyết liệt

Một trong những nội dung mà đoàn kiểm tra của Thường trực Thành ủy quan tâm là hiện vẫn còn một số đơn vị chưa đưa toàn bộ TTHC ra thực hiện tại bộ phận "một cửa" theo quy định. Ngay như huyện Thạch Thất - một trong những đơn vị quan tâm tới công tác CCHC và đã có những bước chuyển mạnh mẽ thì vẫn còn tới 36 TTHC vẫn thực hiện tại phòng chuyên môn. Theo báo cáo của huyện Thạch Thất, trước năm 2012 chỉ có 18/297 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện được thực hiện theo cơ chế "một cửa" thì năm 2012 đã tăng lên 224/264 TTHC và hiện nay là 254/290 TTHC. Lãnh đạo huyện Thạch Thất đã cho biết những lý do dẫn đến 36 TTHC không thực hiện tại bộ phận "một cửa" như: Một số TTHC ít có giao dịch trên địa bàn, một số TTHC thuộc lĩnh vực thanh tra đã có phòng tiếp dân giải quyết; còn một số TTHC tiếp nhận tại phòng chuyên môn mới phù hợp… Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng thực hiện bộ TTHC cấp quận, huyện, nhưng các đơn vị như: Sơn Tây, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm… vẫn đưa 100% TTHC ra thực hiện theo cơ chế "một cửa" bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Vậy thì những lý do huyện Thạch Thất nêu ra cần phải được xem lại và có giải pháp khắc phục.

Công tác CCHC được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng ở một số đơn vị, trong cùng ngành dọc nhưng hiệu quả cũng chưa đồng đều. Điển hình như từ năm 2012, Sở Y tế đã chọn khâu đột phá là nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, nhưng đến nay công tác tiếp đón tại khoa khám bệnh của một số đơn vị thiếu tính thống nhất, biển bảng hướng dẫn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan nơi khám bệnh. Việc chậm thực hiện các đề án của Chương trình số 08-CTr/TU cũng đã được Ban Chỉ đạo chương trình nhắc nhở, đôn đốc lâu nay nhưng mãi đến tháng 10-2014, Sở Y tế mới hoàn thành đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế" để trình UBND thành phố phê duyệt, tức là chậm hai năm so với kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, công tác triển khai CCHC ở nhiều đơn vị vẫn còn thiếu sáng tạo, tình trạng trả chậm hồ sơ và thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà đối với người dân vẫn còn. Đặc biệt là công tác phối hợp giải quyết TTHC liên thông giữa các đơn vị chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

"Lực bất tòng tâm"

Khó khăn được các đơn vị nhắc đến nhiều nhất là thiếu nhân sự, nhất là đối với những đơn vị có lượng giao dịch lớn. Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai cho biết: "Số lượng khách đến giao dịch hằng ngày tại bộ phận "một cửa" nhiều nên ở nhiều đơn vị, một người phải kiêm nhiều việc, áp lực công việc cao, khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc. Nhiều viên chức thường phải làm việc ngoài giờ và ngày thứ bảy, trong khi đó, tiền lương và các khoản phụ cấp còn hạn chế". Tương tự, theo tính toán của quận Bắc Từ Liêm thì Luật Lao động quy định, một năm một công chức làm việc là 1.912 giờ, làm việc ngoài giờ không quá 200 giờ, song, hiện tại bình quân mỗi cán bộ của quận Bắc Từ Liêm làm việc khoảng 2.500 giờ/năm. Quá tải công việc cũng là tình trạng ở nhiều đơn vị và đã được kiến nghị trong đề án xác định vị trí việc làm. Tuy nhiên, do đề án mới trình UBND thành phố và chưa được phê duyệt nên nhiều CBCCVC vẫn đang phải gồng mình "gánh" việc.

Hiện đại hóa hành chính là một trong những nội dung có hiệu quả trong công tác CCHC, tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần nhiều sự quan tâm thường xuyên hơn nữa. Chẳng hạn như các TTHC trong ngành hải quan có liên quan đến nhiều bộ phận chuyên môn nhưng hiện Cục Hải quan thành phố vẫn chưa xây dựng được phần mềm theo dõi, quản lý hồ sơ hành chính. Đặc biệt, hệ thống máy chủ của BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã còn thiếu, nhiều máy vi tính đã cũ, tốc độ chậm mà chưa thay thế được, làm ảnh hưởng đến thực hiện nghiệp vụ chuyên môn. Nhìn chung, việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC tuy đã có nhiều đột phá nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trước những hạn chế tồn tại, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị các đơn vị thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu, phân tích kỹ nguyên nhân và sớm khắc phục những nguyên nhân chủ quan, trong đó, nhận thức của các cấp lãnh đạo, trách nhiệm người đứng đầu là điều quan trọng dẫn đến thành công trong công tác CCHC. Cùng đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường áp dụng ISO vào quản lý, điều hành, nâng số lượng TTHC ứng dụng dịch vụ công mức 3, mức 4 và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực thi công vụ... Sở Nội vụ cũng cần tổng hợp lại tất cả các kiến nghị, thực trạng triển khai của các đơn vị để nghiên cứu, đề xuất giải pháp với thành phố.

Đã nhiều năm liền TP Hà Nội coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm nhưng vẫn còn không ít nhược điểm tồn tại chậm được khắc phục. Trong khi đó, thời gian thực hiện Chương trình 08-CTr/TU chỉ còn một năm nữa. Ở thời điểm nước rút này đòi hỏi các đơn vị cần kiên quyết hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý vi phạm để công tác CCHC đi vào nền nếp, khắc phục triệt để những tồn tại kéo dài, nhất là việc thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Có như vậy thì những mục tiêu đề ra trong Chương trình 08-CTr/TU mới thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu để sớm khắc phục (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.