(HNMCT) - Tháng Giêng, chút mưa phùn lành lạnh của mùa xuân khiến những người đọc sách chưa “bứt” ra khỏi không khí năm mới nên cuốn sách được lựa chọn dịp này thường thiên về chủ đề tươi vui, may mắn. Đọc những trang viết về trà và văn hóa trà cũng giống như sự khởi đầu - “chén trà là đầu câu chuyện”...
Dường như đối với mỗi người dân Việt, trà là thứ gắn bó trọn đời. Quen thuộc đến thế nhưng trà lại không phải là đối tượng được đề cập nhiều trong văn chương. Có lẽ bởi lối uống trà ở Việt Nam ban đầu khá sơ sài. Viết về trà, người mê đọc sách hẳn không thể không nhớ đến “chén trà sương” của Nguyễn Tuân với sự cầu kỳ phải gạn vét nước đọng trên biết bao nhiêu chiếc lá sen mới đủ một ấm trà, kiểu quán cóc liêu xiêu của hàng nước cô Dần như Thạch Lam từng viết trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, hay chén trà mộc thấm đẫm tình vợ chồng như cách Vũ Bằng thưởng trà trong đêm xuân tĩnh mịch “Thương nhớ mười hai”.
Song, các nhà văn xưa kia viết về trà, chỉ dừng ở một đôi trang viết thiên về “thú chơi”. Sang đầu thế kỷ XXI, sách trà xuất hiện nhiều hơn. Song song với những cuốn sách “ngoại nhập” như “Lịch sử của trà” của Laura C.Martin, “Trà đạo” của Okakura Kakuzo, “Trà kinh” của Lục Vũ, “Thiền trà và ăn chay” của Tế Hân và Ngọc Huy... là “Trà luận” của Nguyễn Bá Hoàn, “Trà kinh” của Vũ Thế Ngọc, “Văn minh trà Việt” của Trịnh Quang Dũng...
Theo tác giả Nguyễn Bá Hoàn, thuở ban đầu, trà xuất phát từ các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ XVII, trà được “đi tây”, theo đường thủy từ Trung Hoa sang châu Âu. Điều đặc biệt là cây chè phương đông sau khi du nhập vào bất cứ quốc gia nào cũng đều được người dân nơi đó ưa thích. Nếu cuốn sách “Trà luận” của Nguyễn Bá Hoàn được bắt nguồn cảm hứng từ tác giả Nhật Bản Okakura Kakuzo, thì “Trà kinh” của Vũ Thế Ngọc lại nghiên cứu kỹ về trà Trung Hoa. Song, nghiên cứu trà Trung Hoa là để tác giả đối chiếu với nghệ thuật uống trà của người Việt, từ đó nhận ra: “Đọc bài “Kệ uống trà” của Cao Bá Quát, ta thấy ông luận về thú uống trà và bác lối uống trà ướp hoa làm mất mùi vị chân phác của trà, thì đủ thấy Việt Nam cũng không thiếu những Lô Đồng, Lục Vũ vậy”.
Gần đây, có thêm nhiều cuốn sách nghiên cứu sâu về trà Việt, cho thấy trà không chỉ là thức uống giải khát đơn thuần mà còn là văn hóa, là phong tục Việt Nam. Nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, người có hơn 10 năm lăn lộn khắp các vùng trà Bắc - Nam, cho rằng “người Việt Nam thiếu thông tin với chính trà Việt Nam”, và đó là lý do để anh cho ra đời cuốn sách “Ngang dọc đường trà”. Có thể nói, cuốn sách như tấm bản đồ về các vùng trà nước Việt, từ trà lam Điện Biên cho nước đỏ au, thơm mát đến trà Pà Cò vàng óng, ngát thơm; từ trà búp tím quý hiếm ở Phú Thọ, trà tuyết Lào Cai đến trà “năm cực” ở Yên Bái, trà “sáu không” ở Hà Giang; từ trà ướp sen nổi tiếng đất Hà thành đến “chè chốt”, “chè lính” đặc biệt. “Ngang dọc đường trà” mang đến câu chuyện lý thú về những vùng trà độc đáo trên khắp đất nước.
Cũng đánh dấu mốc trà Việt lên bản đồ, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu cuốn sách “Phác thảo danh trà Việt Nam”, trong đó tổng hợp một danh sách chi tiết về tên gọi, thông tin, sự phân bố và lịch sử của các loại danh trà Việt Nam. Đây là sự tỉ mỉ của một nghệ nhân trà truyền thống, người sáng lập thương hiệu Song Hỷ Trà. Tiếc rằng, phần cuối cuốn sách hơi có tính... quảng cáo khi viết về những trải nghiệm với “danh trà Việt” và thương hiệu trà do tác giả gây dựng.
Cùng với “Phác thảo danh trà Việt Nam”, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn còn sưu tầm những giai thoại hay về trà trong cuốn sách “Trà thượng ty”. Được xuất bản vào cuối tháng 7-2020, cuốn sách này tập hợp 54 giai thoại về trà, mang đến thông tin mới lạ, hấp dẫn về vị thánh của trà Việt, giải mã lý do có câu “chè Thái, gái Tuyên”, “trà dư tửu hậu”, khắc họa lại con đường của trà từ phương Đông đi tới châu Âu...
Một cặp nghệ nhân trà viết sách, là vợ chồng Việt Bắc - Ngọc Linh, chủ nhân của “Thưởng trà” đã cho ra mắt cuốn tản văn “Dưới mái hiên nhà”. Không chọn lối “điểm danh” các vùng trà nổi tiếng, “Dưới mái hiên nhà” như lời thủ thỉ “sao chưa uống trà?”, “bàn tay mình thơm mùi trà khô”, về nguồn hương và quy trình dệt hương cho trà, và những lời khuyên để chọn ấm pha trà, làm gì với trà hết “hạn sử dụng”, trà đặc cắm tăm - nên hay không nên uống? “Dưới mái hiên nhà” là sự đan xen giữa bài viết đậm kỹ thuật về trà của người chồng và những lời dịu dàng, lãng mạn của người vợ, khiến cuốn sách bớt đi sự khô khan, tăng phần hấp dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.