(HNM) - Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa đẩy nền kinh tế tới bờ vực vỡ nợ, ngày 22-9 Hy Lạp đã buộc phải công bố biện pháp khắc khổ đầy đau đớn mới để bảo đảm đạt được các mục tiêu tăng trưởng và cắt giảm thâm hụt ngân sách từ nay tới năm 2015.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nội các kéo dài do Thủ tướng George Papandreou chủ trì, tới cuối năm 2011, sẽ có hơn 30.000 công chức nhà nước bị sa thải. Chính phủ của đảng Xã hội tại Hy Lạp cũng quyết định cắt giảm hơn nữa lương hưu đối với khu vực công. Cụ thể, người hưu trí đang nhận mức lương hưu trên 1.200 euro/tháng (1.652 USD) sẽ bị cắt giảm 20%, những đối tượng hưu trí dưới 55 tuổi hiện nhận mức lương trên 1.000 euro (1.377 USD) sẽ bị cắt giảm tới 40%. Cũng theo tuyên bố trên, mức miễn thuế thu nhập hằng năm sẽ bị hạ xuống mức 5.000 euro (6.885 USD), tỷ lệ bình quân tại Eurozone, từ mức 8.000 euro (11.016 USD) hiện nay.
“Giông tố” tiếp tục vây quanh Hy Lạp. |
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Hy Lạp vẫn đang có diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, thâm hụt ngân sách trong 8 tháng đầu năm của nước này đã lên tới 18,1 tỷ euro (24,67 tỷ USD), tăng mạnh so với 14,813 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ giảm ít nhất 5% trong năm nay thay vì 3,5% đưa ra trước đây. Những thông tin xấu về tình hình kinh tế tại Hy Lạp đã khoét sâu những lo lắng về khả năng đây sẽ là mắt xích đầu tiên "mở hàng" vỡ nợ tại châu Âu, đe dọa tới sự tồn tại của đồng euro - điều mà cách đây vài năm được coi là không tưởng. Tình thế cấp bách đã khiến "bộ ba cho vay" gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải cung cấp gói giải ngân mới cho Hy Lạp trị giá 8 tỷ euro vào tháng 10 nhằm tránh "đứt dây động rừng".
Tuy nhiên, gói cứu trợ tiếp theo này không tránh khỏi những phản ứng dữ dội của dư luận nhiều quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, liệu pháp này sẽ chỉ như "gió vào nhà trống", chứ không phải "thần dược" giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ được báo trước. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nên để Hy Lạp rời khỏi Eurozone để bảo toàn "tính mạng" đồng euro. Việc ông Juergen Stark, ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng chung châu Âu (ECB), xin từ chức để phản đối ECB mua trái phiếu Hy Lạp là một bằng chứng mới nhất cho thấy sự bất đồng ngày càng gia tăng trong cách thức đẩy lùi "mối lo từ Athens".
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã kéo dài gần 3 năm nhưng các nỗ lực cứu trợ vẫn không ngăn được sự hoảng loạn lây lan ra thị trường tài chính. Để đối phó với khủng hoảng, các nước châu Âu đã phải tung ra những gói cứu trợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland lên tới 365 tỷ euro.
Tuy nhiên, các khoản nợ công ở châu Âu vẫn liên tục gia tăng đặc biệt ở những quốc gia bị liệt vào hàng "mắt xích yếu" như Italia (127%/GDP), Iceland (142%/GDP).
Trước viễn cảnh u ám này, nhiều nhà kinh tế cho rằng Eurozone đang ngày càng xa rời mục tiêu là một khối sử dụng đồng tiền chung lý tưởng, thay vào đó chỉ là tập hợp của các nền kinh tế khác biệt dưới một đồng tiền chung và lãi suất chung. Để đồng euro có thể tiếp tục tồn tại, Eurozone nên "hy sinh" một số thành viên. Nếu không, trong vòng từ 1 đến 2 năm tới, khả năng một số nước phải rời bỏ Eurozone là có thể xảy ra vì khu vực này không thể giải quyết được những mâu thuẫn lợi ích và khác biệt kinh tế. Thậm chí, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London (Anh) còn dự báo khối Eurozone sẽ tan vỡ vào năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.