(HNM) - Thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước. Dù tỷ lệ kết nối thành công chưa cao, nhưng đây là một trong những giải pháp hiệu quả để đưa hàng Việt ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, với nhiều quy định nghiêm ngặt, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đầu tư, vận hành chuyên nghiệp hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối.
Cơ hội cho hàng Việt Nam
Thời gian qua, nhiều sản phẩm của Việt Nam như áo sơ mi, thực phẩm, thanh long, khoai lang, chuối và mới đây nhất là quả vải thiều tươi xuất khẩu đã được bày bán tại hệ thống phân phối của AEON Nhật Bản (250 siêu thị và cửa hàng AEON Style trên khắp Nhật Bản).
Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, AEON đã phối hợp với Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Cụ thể, năm 2018 hàng Việt Nam xuất qua hệ thống AEON đạt 330 triệu USD, năm 2019 đạt 370 triệu USD và năm 2020 hướng đến mục tiêu đạt 450 triệu USD.
Bên cạnh AEON, từ năm 2017 đến nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống Big C đạt trị giá 46 triệu USD/năm và dự báo tăng trong thời gian tới. Cùng với đó, MM Mega Mark (cũng có vốn đầu tư của Thái Lan như Big C) cũng đang thu hút hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là nông sản của Việt Nam, sang Thái Lan với mục tiêu mỗi tuần 10 container.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ nước ngoài và ngược lại, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng rất quan tâm đến hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng nông sản.
Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khắt khe
Hệ thống bán lẻ nước ngoài là giải pháp hiệu quả để đưa hàng Việt ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga, việc xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại không phải là điều dễ dàng. Bởi các nhà phân phối nước ngoài có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, đòi hỏi nhà sản xuất trong nước phải đầu tư công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như giá cả cạnh tranh...
Đồng tình với quan điểm trên, ông Fukui Tomoaki, Quản lý bộ phận sản phẩm, Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam cho biết, Tập đoàn AEON có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng, như: An toàn thực phẩm; xác định nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất; tồn dư hóa chất nông nghiệp… Vì thế, nhà cung cấp cũng phải có quy trình sản xuất, quản lý tương ứng, để đáp ứng yêu cầu đó.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, mẫu mã cũng như chất lượng ổn định của sản phẩm Việt còn rất hạn chế. Do đó, trong hàng chục doanh nghiệp với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được một số mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hay hộ sản xuất thường yếu về tài chính, công nghệ...
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trịnh Hương, đại diện miền Bắc Công ty TNHH Enny (đơn vị sản xuất sinh tố tươi, số 97/59 đường Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho rằng, để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, đồng thời quản lý đồng bộ từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.
Là địa phương có nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài đang hoạt động, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành Công Thương Hà Nội đang triển khai đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài”. Theo đó, Sở sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối và xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài để doanh nghiệp đóng gói hàng hóa với sự giám sát chất lượng của nước sở tại. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo thiết kế, phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; tư vấn về quy định pháp luật, cách thức xây dựng kênh phân phối…; qua đó đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đang kêu gọi doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ nước ngoài; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để giới thiệu với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài.
Rõ ràng, hệ thống bán lẻ nước ngoài mang lại cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, không cách nào khác, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đầu tư công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để nắm bắt cơ hội này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.