Thị trường

Hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn: Cần được nhân rộng

Lam Giang 21/11/2023 - 07:20

Thời gian qua, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn tồn tại nhiều bất cập. Thực tế đặt ra yêu cầu cần tăng cường nhân rộng hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, uy tín để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với thực phẩm an toàn.

ban-le.jpg
Người dân lựa chọn các sản phẩm được bày bán tại hệ thống Saigon Co.op. Ảnh: Định Quang

Bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Mấy năm gần đây, chị Nguyễn Khánh Linh (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) không còn phải quá đau đầu khi tìm kiếm thực phẩm an toàn. Lý do là bởi hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đã rộng mở tới địa bàn chị sinh sống. “Không chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc tại các siêu thị, tôi còn có thể chọn rau, củ, thịt, cá tại cửa hàng tiện lợi của nhiều thương hiệu uy tín ngay gần nhà”, chị Nguyễn Khánh Linh nói.

Với sự phát triển của nền kinh tế và khi thu nhập của người dân được nâng lên, ngày càng nhiều hệ thống phân phối hiện đại phát triển theo chuỗi. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 8.517 chợ, hơn 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Tiêu biểu trong đó là hệ thống Saigon Co.op có hàng nghìn điểm bán, bên cạnh các siêu thị là 571 cửa hàng Co.op Food trên toàn quốc. Hay hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam có 21 trung tâm bán buôn và siêu thị cùng 5 trạm thu mua, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 2.000 đối tác cung ứng sản phẩm.

Hệ thống WinCommerce, chuỗi bán lẻ lớn với hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại 62 tỉnh, thành trên cả nước, thu mua, tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản/năm với hơn 50% rau, quả, trái cây thu mua từ các nhà cung cấp địa phương. Hệ thống Big C & Go! với 72 cửa hàng tại khắp các tỉnh, thành. Chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển có 45 cửa hàng tại thành phố Hà Nội… Nhiều kênh thương mại điện tử cũng tổ chức các gian hàng an toàn thực phẩm như Lazada, Shopee, Sendo…

Đáng chú ý, chất lượng thực phẩm được kết nối vào các hệ thống phân phối ngày càng được bảo đảm chặt chẽ. Giám đốc khu vực miền Bắc Sài Gòn Co.op Lê Văn Liêm cho biết, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận hữu cơ… cùng hồ sơ pháp lý rõ ràng, bảo đảm an toàn.

Khuyến khích kết nối cung ứng thực phẩm an toàn

Tuy hoạt động phân phối thực phẩm an toàn đã có những chuyển biến tích cực, song theo Bộ Công Thương, thực phẩm được kiểm soát chất lượng mới chiếm từ 15-20% trong tổng số 26% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh hiện đại. Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước (chiếm 74%) với nhiều bất cập về vấn đề an toàn thực phẩm. Con số 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm được thí điểm tại các địa phương (đến hết tháng 10-2023) là kết quả đáng ghi nhận, nhưng mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 8.517 chợ toàn quốc.

Điều này dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng. Thực tế, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y diễn biến phức tạp…

Theo Tiến sĩ Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, 85% có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Do đó, cần đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm, từ mở rộng các vùng sản xuất an toàn, đến khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến; quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung... Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, Bộ rà soát, hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra; đề xuất biện pháp phù hợp với thực tế để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn: Cần được nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.