Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan cạn kiệt nước sạch

Đình Hiệp| 12/07/2015 06:36

(HNM) - Thật khó tưởng tượng ở một quốc gia có nhiều sông, biển như Thái Lan mà người dân Bangkok lại đứng trước nguy cơ không còn nước sạch.


Thái Lan đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua. Cả nước ngóng trông những cơn mưa để giải hạn. Quan trọng hơn, mưa xuống sẽ bổ sung nguồn nước ngầm đang cạn kiệt do hạn hán và nước biển xâm thực.

Sông Wang, một nhánh sông Chao Pharya, đã gần như cạn kiệt. Người dân Bangkok có thể sẽ hết nước sạch trong một tháng tới.


Ông Thanasak Watanathana, người đứng đầu Cơ quan Quản lý nước đô thị cho biết, mực nước ở 3 đập dự trữ nước chính tại Thái Lan chảy qua sông Chao Phraya ở mức rất thấp. Cụ thể vào cuối năm ngoái, trữ lượng nước trong 3 đập này ở mức 5 tỷ mét khối, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hằng năm là 8 tỷ mét khối. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Sở Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, đến đầu tháng 7 vừa qua, con số này chỉ còn 660 triệu mét khối. Hiện lượng nước chỉ đủ dùng để cung cấp cho người dân trong vòng 30 ngày.

Thông thường, lượng nước mưa và nước dự trữ trong các đập sẽ giúp ngăn chặn nước biển tại Vịnh Thái Lan xâm nhập đất liền. Thế nhưng, do hạn hán kéo dài nên nước biển đã đổ ngược vào sông Chao Phraya. Nước mặn có thể hủy hoại mùa màng và đe dọa các trạm bơm nước nằm cách Vịnh Thái Lan khoảng 100km. Các nhà máy nước tại Bangkok có khả năng sản xuất 5,2 triệu mét khối nước/ngày cho 2,2 triệu người dân ở thủ đô, song lại không có khả năng xử lý nước mặn. Vì thế, Cơ quan Quản lý nước đô thị đã yêu cầu người dân Thái Lan dự trữ khoảng 60 lít nước/ngày trong trường hợp bị thiếu nước. Cơ quan này cũng yêu cầu người dân có ý thức tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, lời kêu gọi này không mấy được hưởng ứng, bởi trên thực tế người dân chỉ phải trả có 0,25 USD/m3 nước. "Số tiền này quá rẻ nên không ai nghĩ đến chuyện tiết kiệm nước. Giá nước này đã được duy trì từ năm 1999. Có lẽ Bangkok là đô thị lớn duy nhất trên thế giới có mức giá nước rẻ như vậy" - ông Thanasak nhận định.

Trong một nỗ lực nhằm duy trì mực nước trong các đập cấp nước phục vụ nông nghiệp tại các tỉnh nông thôn và nước sạch tại thủ đô Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu người dân tạm dừng trồng lúa một số nơi kể từ tháng 10 năm ngoái. Cơ quan Quản lý nước đô thị cũng dự định sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD trong vòng 7 năm tới để tăng khả năng sản xuất cũng như trữ nước.

Cơ quan này cũng bắt đầu tính đến việc dự đoán nhu cầu sử dụng nước của người dân trong vòng 30 năm tới và xác định các nguồn nước cần được bảo vệ để tránh bị nhiễm mặn. Theo ông Thanasak, việc dự trữ nước mưa trên quy mô lớn được cho là một giải pháp khả thi, bởi từ trước đến nay toàn bộ số nước mưa ở Bangkok đều chảy thẳng ra biển gây lãng phí.

Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng Kinh tế nông nghiệp Thái Lan, Chính phủ nước này vừa hạ thấp dự báo sản lượng thóc gạo vụ chính năm nay trong bối cảnh nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới phải gồng mình đối phó với tình hình hạn hán nghiêm trọng. Cụ thể, Thái Lan ước sẽ sản xuất trên 24,13 triệu tấn thóc gạo trong vụ chính năm nay, thấp hơn so với dự đoán 26,57 triệu tấn đưa ra trước đó.

Bộ Tài chính Thái Lan cho rằng, hạn hán tại 16/76 tỉnh trên cả nước đang de dọa nền kinh tế và có thể tước đi khoảng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của đất nước này năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan cạn kiệt nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.