Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức trước tiến trình đô thị hóa

Chí Đạo| 01/01/2012 06:29

(HNM) - Khu vực nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết như tích tụ ruộng đất, đào tạo nguồn nhân lực, tìm nguồn vốn đầu tư...

Bước đi vững chắc

Trong một chuyến chúng tôi đi công tác lên Khánh Thượng (Ba Vì), xã xa nhất, cách trung tâm thành phố hơn 100km, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Thành tâm sự: "Nếu như trước đây, về trung tâm Thủ đô chúng tôi phải đi mất nửa ngày đường, vừa vì cách trở, vừa vì đường khó đi, thì nay đã rút ngắn được hơn nửa thời gian". Nông thôn ở các huyện vừa nghèo, vừa xa như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Đông Anh... đang khởi sắc rõ nét nhờ giao thông được đầu tư đồng bộ. Theo một số liệu mới được công bố, đã có 98,5% trong số 401 xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc trải nhựa; 94,26% số xã có đường liên thôn được bê tông hóa, trải nhựa đến từng hộ dân. Một vấn đề dân sinh khác được người dân đặc biệt quan tâm là hệ thống trạm y tế xã, nhà văn hóa cũng được thành phố đầu tư đồng bộ với 100% số trạm có đội ngũ y, bác sĩ; 92,2% trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế; cán bộ y tế thôn đã phủ kín được 93%; 75,25% thôn, bản có nhà văn hóa; gần 70% số xã có chợ trung tâm...

Chăm sóc rau an toàn trong nhà lưới tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). 
Ảnh: Trung Kiên

Cơ sở hạ tầng được hiện đại hóa là tiền đề cơ bản cho kinh tế phát triển vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh, lạm phát tăng cao nhưng vẫn duy trì mức tăng khoảng 5%/năm, đạt giá trị sản xuất khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Đáng kể nhất là giá trị sản xuất trên một hécta canh tác lên đến hơn 170 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2005. Kinh tế trang trại phát triển với khoảng 3.600 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được hình thành. Tổng thu nhập bình quân một trang trại theo tiêu chí mới đạt khoảng 2,7 tỷ đồng. Các loại cây trồng như cây công nghiệp, rau đậu thực phẩm, hoa cây cảnh, cây ăn quả... đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản xuất, đã phản ánh xu thế tích cực trong chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa gắn với gia tăng sản phẩm hàng hóa và hiệu quả sử dụng đất (hiện hệ số sử dụng đất đạt khoảng 2,27 lần). Diện tích rau an toàn từng bước được mở rộng với hơn 2.100ha, tổng sản lượng đưa ra thị trường 123 nghìn tấn/năm. Các vùng sản xuất rau an toàn ở Vân Nội (Đông Anh), Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Giang Biên (Long Biên)... đang là những mô hình đi đầu để tiến tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong chăn nuôi, đã hình thành được khoảng 40 khu chăn nuôi tập trung, tổng diện tích gần 1.000ha với khoảng 1.700 trang trại, tập trung ở Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai... Hà Nội vẫn là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển đứng đầu cả nước, chiếm 9,2% sản lượng thịt hơi; 8,5% sản lượng thịt gia cầm; 7,9% sản lượng trứng các loại...

Phát triển nông nghiệp gắn với vệ sinh môi trường

Mục tiêu lớn nhất ngành nông nghiệp Thủ đô đặt ra là phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định, nông nghiệp Thủ đô phải chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm sạch, các loại quả đặc sản, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Thủ đô và hướng tới xuất khẩu. Theo đó, nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển theo 3 tiểu vùng đồi gò, đồng bằng và đất bãi ven sông với định hướng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chính gồm: vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, rau an toàn, rau cao cấp ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, khu vực ven sông Đáy, bãi sông Hồng; vùng hoa, cây cảnh ở Mê Linh, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn... với diện tích tăng lên 10 đến 12 nghìn hécta gieo trồng; vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên... với diện tích khoảng 40 nghìn hécta; phát triển vùng cây ăn quả tập trung như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... với khoảng 16 nghìn hécta; vùng trồng chè; vùng phát triển chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Để đạt được những mục tiêu này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, khu vực nông nghiệp, nông thôn Hà Nội cần vượt qua những thách thức khi đất canh tác đang giảm dần do nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp. Lực lượng lao động nông nghiệp bị thu hút bởi các ngành có thu nhập cao hơn nông nghiệp như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, trong khi thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phát triển, mở rộng sản xuất thường kéo theo vấn đề ô nhiễm, đặc biệt trong xử lý chất thải của ngành chăn nuôi, sử dụng thuốc trừ sâu, sản xuất công nghiệp, làng nghề...

Cùng với phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn Hà Nội cũng sẽ quan tâm đến các vấn đề dân sinh bức xúc như môi trường sống; đường giao thông đến các xã vùng núi, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân... Tính đến thời điểm này, khu vực nông thôn Hà Nội mới có 50 xã trong tổng số 401 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 258 xã có công trình thoát nước thải tập trung; 382 xã có tổ chức thu gom rác thải... Khu vực nông thôn cũng có số lượng lao động lớn với khoảng 2,2 triệu lao động, chiếm trên 50% tổng số lao động toàn thành phố nhưng tỷ lệ qua đào tạo mới chiếm khoảng 35%. Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định nông nghiệp, nông thôn là tỷ lệ lao động thoát ly nông nghiệp ngày càng lớn; tình trạng thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định còn khá cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức trước tiến trình đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.