Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức mở ra cơ hội

Thế Phương| 12/06/2014 06:59

(HNM) - Không phải thời điểm này vấn đề sản xuất và xuất khẩu bị động do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu mới được đưa ra bàn thảo và thu hút sự quan tâm của dư luận.


Từ nhiều năm trước một chiến lược phát triển về công nghiệp phụ trợ đã được đề cập, nhưng do nhiều ngành hàng thiếu quy hoạch phát triển tổng thể, từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến xuất khẩu nên tình trạng nêu trên vẫn là một thách thức với nền kinh tế và ở thời điểm này, đây là một vấn đề "nóng". Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, thách thức cũng có thể đem đến cơ hội mới để doanh nghiệp nước nhà thoát khỏi sự phụ thuộc về nguyên vật liệu.

Dệt may là một trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tương đương 6-7% GDP, nhưng chỉ tự đảm nhận được 25% nguyên phụ liệu, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 55-60%, nhập khẩu từ các nước khác 15-20%. Ngành sản xuất cá tra cũng đứng trong "top" đạt kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng một con cá tra thành phẩm thì có tới 80% cấu thành bởi nguyên liệu thức ăn nhập từ Trung Quốc. Ngành sản xuất thép, sản xuất hạt điều…, ít nhiều cũng rơi vào tình trạng tương tự. Lý giải việc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trung Quốc là nơi có nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh, khoảng cách địa lý lại rất gần…

Thực tế là vậy và đây cũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản và một số nước ASEAN cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Việc lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu từ một quốc gia có thể khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị động, bị chi phối trong sản xuất, kinh doanh… Và còn một vấn đề nữa rất đáng phải suy nghĩ, vì phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu nên trong "miếng bánh" xuất khẩu, doanh nghiệp và người dân chỉ được nhận một phần rất nhỏ. Vậy làm thế nào để có "miếng bánh" to hơn, để giảm sự lệ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu? Có lẽ trong bối cảnh hiện nay, không còn cách nào khác phải mở thêm các thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu nguyên liệu và tăng cường phát triển các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu ở trong nước…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội đang mở ra với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi lẽ một trong những mục tiêu quan trọng khi đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam là đạt được những lợi ích cơ bản như mở cửa thị trường hàng hóa, trong đó, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế (da giày, dệt may, nông sản) có thể thâm nhập với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn vào thị trường quốc tế, trước hết là 11 nước thành viên TPP. Tuy nhiên, nếu không giải được bài toán phát triển các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu trong nước thì rất có thể nhiều ngành vốn là thế mạnh sẽ lại "thua trên sân nhà".

Thách thức cũng có thể mở ra cơ hội và trong cơ hội cũng có nhiều thách thức. Nếu tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ thì doanh nghiệp, người dân sẽ có "miếng bánh" xuất khẩu to hơn và không bị phụ thuộc vào một vài nguồn cung nguyên vật liệu. Tuy nhiên, để biến cơ hội trở thành hiện thực không chỉ cần những chính sách, cơ chế mà còn đòi hỏi tư duy, quyết tâm mới của giới doanh nghiệp và các nhà quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức mở ra cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.