Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thả gà ra đuổi!

Đan Nhiễm| 31/08/2014 06:04

(HNM) - Ngày 26-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra quyết định dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) An Cung ngưu Hoàng Hoàn do Triều Tiên sản xuất và được Công ty TNHH Thương mại Mannyon nhập khẩu.



Hôm sau (27-8), Chánh Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông quyết định phạt tổng cộng 95 triệu đồng đối với 4 tờ báo với lý do "tiếp tay" cho một số doanh nghiệp quảng cáo TPCN sai phép, không đúng sự thật.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị các cơ quan quản lý "ra đòn" nhằm siết lại thị trường TPCN vốn đang "bát nháo" hiện nay.

Thị trường TPCN đang "bát nháo", bị thả nổi chính là khẳng định của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Hiệp hội TPCN Việt Nam khi trả lời báo giới. Không "loạn" sao được khi hiện cả nước có đến gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 5.500 sản phẩm TPCN đang lưu hành. Mỗi năm có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng có tới 90% số hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo đúng như tác dụng của sản phẩm. Cùng với đó là rất nhiều loại TPCN chưa được cấp phép nhưng nhập lậu, xách tay từ nước ngoài về và bán nhan nhản trên các trang mạng. Đáng ngại nhất là dù được quảng cáo có công dụng tương tự nhau nhưng chất lượng thực sự và giá cả các loại TPCN cũng rất khác biệt, có khi chênh lệch cả triệu đồng. Đây thực sự là "ma trận" đánh đố người tiêu dùng để rồi có không ít người nhẹ dạ đã dốc hầu bao mua "thần dược" rởm và chịu cảnh "tiền mất tật mang"...

Một câu hỏi được đặt ra là tình trạng "thả gà ra đuổi" trong quản lý việc sản xuất, kinh doanh TPCN kéo dài đã nhiều năm nhưng những vụ vi phạm không giảm, những lỗ hổng quản lý vẫn "to chình ình" vì sao không được xử lý rốt ráo? Không khó để nhận ra rằng, có chuyện này bởi lẽ đa phần TPCN được bán tại các hiệu thuốc (người bán phải có chuyên môn, người mua không có cơ hội... mặc cả) nhưng TPCN thì ai bán cũng được, ai sản xuất cũng xong. Không ít bác sĩ vì món lợi "hoa hồng" đã kê luôn TPCN vào đơn thuốc mà không hướng dẫn cho bệnh nhân biết đó là loại hỗ trợ chứ không phải bắt buộc dùng. Trong khi đó, việc cấp phép sản xuất, kinh doanh TPCN chủ yếu dựa vào hồ sơ nên việc đánh giá chất lượng sản phẩm rất tù mù. Nguyên nhân là do chưa có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất TPCN, công thức và thành phần TPCN hết sức tùy tiện, điều kiện lưu hành sản phẩm quá dễ dàng. Với sự "dễ dãi" trong quản lý và chủ yếu bán hàng theo mô hình kinh doanh đa cấp, chiết khấu cao nên TPCN dễ dàng len lỏi đến mọi ngõ ngách, từ đó thêm cơ hội để họ móc túi người tiêu dùng.

Theo quy định, việc giới thiệu, quảng cáo TPCN không đúng sự thật sẽ bị phạt hành chính, thu hồi giấy phép và sản phẩm, nhưng vì mối lợi lớn nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn cố tình phớt lờ. Trong khi đó, không ít các cơ quan truyền thông đã "tiếp tay" cho nhiều loại TPCN bằng những lời "có cánh" mà trường hợp 4 cơ quan báo chí bị phạt như đã nêu trên là điển hình.

Việc quản lý không tốt đã để lọt nhiều sản phẩm không bảo đảm ra thị trường; việc kiểm soát quảng cáo chiếu lệ gây ra sự hiểu sai cho không ít người dùng; khâu kiểm soát giá gần như bất lực khiến người dân mất tiền oan là những sự thật không thể phủ nhận về tình hình thị trường TPCN hiện nay. Sự thực, cơ quan quản lý đang "chạy đua" chứ không phải là chủ động đón đầu, đi trước một bước trong quản lý lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN như yêu cầu đặt ra. Và tình trạng "thả gà ra đuổi" càng kéo dài thì người tiêu dùng sẽ còn bị móc túi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thả gà ra đuổi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.