(HNM) - Ðể chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp, trước khi lên căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), có lần ở lại và làm việc cả tháng trời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc. Ảnh: Tư liệu |
Khoảng 1 giờ chiều ngày chủ nhật 10-11-1946, xe ô tô đưa Bác từ phía làng Hiệp về chùa Thầy. Ðó là lần đầu tiên Bác về thăm Quốc Oai, nhưng không phải để thăm thắng cảnh như nhiều người nghĩ mà là chuyến tiền trạm của Người để chọn căn cứ chỉ huy tạm thời của cuộc kháng chiến vì Người nhận định khả năng hòa hoãn với thực dân Pháp đã không còn. Xuống xe, Bác xem qua khu vực chùa Thầy rồi đi thẳng lên núi. Từ chùa Cao, Bác quan sát toàn cảnh khu vực Sài Sơn và các vùng lân cận. Khi xuống núi, Bác dừng chân nói chuyện với nhân dân và cán bộ tại chùa Cả. Bác căn dặn nhân dân và cán bộ địa phương phải bảo vệ thắng cảnh; sản xuất, công tác tốt; chăm lo học hành.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Tối 20-1-1947 (29 Tết), Bác từ Cần Kiệm (Thạch Thất) xuống Quốc Oai, có mặt ở Phủ đường (cũ) rất sớm. Bộ Nội vụ cũng cho xe đi đón các vị trong Hội đồng Chính phủ, lúc đó còn làm việc thuộc nhiều nơi ở Hà Ðông, Sơn Tây, nhưng vì đường xấu, xe hỏng, mưa trơn, nên không đến được đông đủ; Bác chờ đến khuya vẫn chưa đủ nên lại về Cần Kiệm. Các vị trong Chính phủ đã đến thì nghỉ tại Phủ đường. Tối hôm sau, 21-1-1947 (30 Tết), hội nghị mở rộng họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Bác chúc Tết các vị trong Hội đồng Chính phủ và đề ra 3 việc cần làm ngay: Tản cư, di cư; động viên dân chúng và tăng gia sản xuất.
Ngay sau hội nghị, Bác xuống Ðài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt trong hang đá núi Trầm (Chương Mỹ), chúc mừng năm mới Ðinh Hợi (1947) tới đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài, bằng những vần thơ đầy sảng khoái và thúc giục: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Tối 2-2-1947, Bác xuống Chúc Sơn (Chương Mỹ) chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Trên đường về, do sự cố giao thông, Bác phải xuống xe đi bộ mấy cây số. Các đồng chí có trách nhiệm đưa Bác tới nghỉ tại nhà ông Ðỗ Hữu Dư ở xóm Chùa, làng Ngọc Than (nay thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và gia đình cũng đang ở và làm việc tại đó. Bác nghỉ lại ở nhà ông Dư cả ngày 3-2-1947.
Tối 3-2-1947, Bác lên Sài Sơn, vào khu chùa Một Mái, phía sau núi Thầy. Vì có sự chuẩn bị từ trước, địa phương đã thu xếp dành khu nhà Tổ cho cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh ở và làm việc. Bác nghỉ và làm việc trong gian buồng bên phải của nhà Tổ. Anh em phục vụ ngủ ở ba gian ngoài và nhà ngang. Giường chiếu mượn của nhà chùa. Bác chỉ có một chiếc chăn len, một chiếc màn cá nhân và chiếc ba lô màu cỏ úa. Thường ngày, Bác mặc bộ quần áo nâu gụ, ngoài khoác chiếc áo bludông. Phương tiện làm việc của Bác là chiếc án thư dùng làm bàn, một chiếc máy chữ và một chiếc đèn thắp dầu hỏa. Các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Ðảng thường đến gặp Bác, báo cáo những công việc cần kíp về quốc phòng, tài chính, tổ chức mặt trận…
Trong thời gian ở Sài Sơn, Bác nhiều lần xuống Phủ đường Quốc Oai, chủ trì các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Bác theo dõi và động viên công cuộc kháng chiến; đôn đốc, thúc đẩy công việc cả trong và ngoài nước. Người viết “Thư kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến thắng lợi” (6-2-1947); “Thư gửi Chính phủ cách mạng nhân dân Căm-pu-chia và nhân dân Pháp” (18-2-1947); “Thư gửi Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Ninh Bình” (19-2-1947); “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1-3-1947). Người cũng kí nhiều sắc lệnh nhằm tăng cường sức mạnh pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân trong kháng chiến. Người vào Ninh Bình, Thanh Hóa, gặp gỡ các điền chủ, các nhân sĩ, trí thức, động viên họ ủng hộ và tham gia kháng chiến (18-2-1947). Người ra Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), nơi đặt xưởng in bạc của Chính phủ, thăm hỏi những người làm việc bảo vệ kho bạc của Bộ Tài chính (19, 20 và 21-2-1947).
Tuy phải làm nhiều việc nhưng Bác vẫn thực hiện đúng và đầy đủ nền nếp và sinh hoạt của cơ quan và bản thân. Ðời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bác đã đồng cam cộng khổ với mọi người. Có bữa, địa phương tiếp tế cho chút thức ăn tươi, Bác đã chia đều cho anh em cùng bồi dưỡng. Bác nhắc nhở mọi người tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân; cảnh giác, giữ bí mật. Bác ở Sài Sơn tròn một tháng, từ 3-2 đến 2-3-1947.
Tối 2-3-1947, Bác xuống Phủ đường Quốc Oai, chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Hội nghị bàn nhiều việc; trong đó có việc phải cấp tốc chuyển cơ quan lên Việt Bắc, vì thời gian này thực dân Pháp đã mở rộng tiến đánh ra vùng ngoại vi Hà Nội. Họp xong, đã 4 giờ sáng, Bác ghé thăm Ủy ban kháng chiến hành chính khu II ở chùa Một Mái, núi Hoàng Xá và nghỉ lại đó cả ngày 3-3-1947. Buổi tối, đồng chí Trần Ðăng Ninh đến đón, đưa Bác lên Trung Hà, qua phà Phú Thọ, nghỉ lại ở đồn điền Cổ Tiết, rồi từ đó chuyển dần lên Việt Bắc. Tại Việt Bắc, Bác cùng Trung ương Ðảng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn (10-10-1954).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.