(HNNN) - Tết Nguyên đán đối với mỗi người Việt Nam đều mang ý nghĩa thiêng liêng. Đó là Tết của sự hội tụ - sum vầy, vui đón một cái Tết đoàn viên với những nghi thức, thú chơi tao nhã là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy.
Mỹ tục đáng trân trọng
Dù cuộc sống bây giờ bận rộn nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng giữ gìn phong tục đón Tết cổ truyền cho con cháu. Như gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trước kia, nơi gia đình bà sống là một vùng quê nghèo ở ngoại thành, đời sống còn nhiều khó khăn. Các con bà đều cố gắng học tập, lớn lên lập nghiệp ở nước ngoài. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cuộc sống cũng có nhiều đổi thay. Nhưng năm nào cũng vậy, 4 người con của bà đều trở về quê ăn Tết. Ngày Tết đối với gia đình bà mang một ý nghĩa thiêng liêng. Quanh năm suốt tháng mọi người phải lo làm ăn, Tết mang ý nghĩa đoàn viên nên dù cách xa đến mấy thì ai cũng cố gắng trở về.
Gia đình bà Nhung là một điển hình trong số hàng chục triệu gia đình Việt. Mỗi khi Tết đến, xuân về thì người Việt Nam, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu, kể cả xa xứ hàng ngàn ki lô mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được hương khói thờ cúng tổ tiên. Tết không chỉ có hành trình của những chuyến trở về, mà đằng sau đó là cả một quá trình về với cội nguồn, về nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Tết Nguyên đán là một cuộc hội tụ lớn. Hội tụ gia đình. Hội tụ dòng họ, làng xã và cộng đồng. Thời hiện đại, cách đón Tết cũng có nhiều thay đổi nhưng điều đáng quý là nhiều phong tục đẹp mà cha ông lưu truyền từ đời này sang đời khác đến nay vẫn được giữ gìn, phát huy, bồi đắp. Ngày nay, ở các vùng miền, nhiều nơi vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống qua việc tổ chức hội làng, trò chơi, trò diễn... Những hoạt động này vô cùng phong phú và mang đậm bản sắc của từng địa phương. Đâu đó ở những sân đình vẫn vang vọng tiếng trống chầu, tiếng ca trù dặt dìu làm tươi mới ngày xuân.
Tết chẳng của riêng ai, Tết của mọi nhà, đó chính là ý nghĩa của văn hóa Tết vừa mang tính cộng đồng, vừa lắng đọng hồn dân tộc. Như hội đu tiên ở các vùng quê. Ngoài việc thể hiện nét đặc trưng văn hóa ở mỗi nơi, trò đánh đu còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và có được sự phấn chấn về mặt tinh thần. Phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt trong những ngày Tết trên khắp mọi miền đất nước.
Cũng tương tự là tục xin chữ và cho chữ mỗi độ Tết đến xuân về. Từ Bắc chí Nam, hễ nơi đâu có thầy đồ là có những người thành tâm xin chữ. Thư pháp ngày nay, ngoài chữ Hán Nôm còn có thêm chữ quốc ngữ nên khách du xuân tha hồ lựa chọn những câu chữ hay để treo trong nhà. Tuy ông đồ ngày nay có khác ông đồ xưa và người đến xin chữ vì nhiều lý do nhưng tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt thì vẫn vậy. Dù là xưa hay nay thì tục xin chữ đầu năm vẫn là một nét văn hóa đặc sắc được nhiều người ghi nhớ. Đó là chưa kể tục khai bút sáng mùng một Tết vẫn được rất nhiều gia đình duy trì với mong muốn con cái học hành chăm ngoan, hiếu đễ.
Nét đẹp văn hóa của Tết xưa và những chuyến trở về sum họp cùng ông bà, cha mẹ, người thân được lưu giữ, đã giúp cho con trẻ trong nhà có được cái Tết trọn vẹn và học được bao điều hay. Đó là phải sống tốt, hướng thiện. Đó là lòng tôn kính đối với tổ tiên, là nghĩa vụ chăm ngoan, học giỏi theo truyền thống hiếu học của cha ông...
Duy trì, phát huy bản sắc
Nhịp sống hiện đại đã làm vơi bớt sự cầu kỳ trong cách đón Tết Nguyên đán. Ngày nay, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được thực hiện hợp lý, khoa học hơn - vừa văn minh, lịch sự lại không lãng phí thời gian, phù hợp với nếp sống công nghiệp, vừa góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền.
Cùng với bước phát triển ấn tượng về kinh tế - xã hội của đất nước, nét văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng đang dần bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại lai, có sự mai một nhất định. Trong đời sống hiện đại, những ngày lễ lớn của thế giới đang dần đi vào cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ, và việc đón Tết Nguyên đán cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ văn hóa phương Tây. Tết đến, nhiều gia đình chọn cách mua đồ có sẵn ở chợ thay vì mua thực phẩm rồi về tự chế biến.
Việc chuẩn bị Tết của gia đình cũng không còn như xưa, đặc biệt là ở các thành phố, nơi mà việc sắm Tết trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều bởi hầu như cái gì cũng có sẵn để mua. Bận bịu hay không thì chỉ cần dành ra ngày 28, 29 tháng Chạp, các gia đình đi một vòng quanh chợ hay siêu thị là có thể sắm được đủ thứ cần. Mâm cỗ ngày Tết giờ phong phú, đa dạng hơn, nhưng không cầu kỳ và đậm chất nghi thức như trước. Bên cạnh những món ăn truyền thống của người Việt như giò, nem, bánh chưng, thịt đông, gà... còn có những món ăn được du nhập từ phương Tây. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...” không còn là thứ bắt buộc phải có.
Quan niệm về Tết thời hiện đại cũng có nhiều biến đổi trong bối cảnh nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, có thể được đáp ứng ngay trong những ngày thường chứ không cần phải đợi đến Tết. Thời “no dồn đói góp” qua rồi, bây giờ đa số có quan niệm “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết” nữa. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong những ngày nghỉ Tết, người ta hướng đến “món ăn” tinh thần nhiều hơn. Có lẽ bởi thế mà Tết không chỉ là dịp để trở về quê hay ăn Tết tại gia mà còn là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: Du lịch ở trong nước hoặc nước ngoài, thỏa mãn nhu cầu khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, thăm bè bạn ở nơi xa...
Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Cuộc sống tiện ích có thể khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Bởi vậy, giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam, để làm sao Tết Việt vừa văn minh, không gây lãng phí về vật chất và thời gian của con người, phù hợp nếp sống công nghiệp mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm không của riêng ai.
Mỗi người dân, dù đang sinh sống trên đất nước mình hay học tập, công tác, định cư ở nước ngoài cần tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Tết Việt. Đồng thời, chúng ta cần phê phán, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong dịp Tết Nguyên đán, như hoạt động mê tín dị đoan, nạn cờ bạc, rượu chè, các lễ hội phản cảm và gây tốn kém, các hoạt động gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Tết đoàn viên - “về nhà đi con”, đó vẫn là mong ước của những người làm cha, làm mẹ mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó còn là dịp mỗi người góp phần giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và với tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.