Đời sống

Khi nào có 2 Tết Nguyên đán trong một năm?

Theo Lao Động 14/02/2025 - 10:52

Theo tính toán, năm 2148 có thể có tháng Giêng nhuận, nhưng liệu việc người dân ăn Tết hai lần có thể xảy ra?

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin năm 2148 có tháng Giêng nhuận (có 2 tháng Giêng Âm lịch). Sự kiện hiếm có khiến nhiều người thắc mắc liệu người dân có thể được nghỉ và đón Tết Nguyên đán 2 lần?

Ảnh: Ngọc Thùy
Theo tính toán của chuyên gia, năm 2148 quả thực có tháng Giêng nhuận. Ảnh: Ngọc Thùy

Lý giải về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) - cho biết, do thời điểm năm 2148 còn khá xa và chưa có đủ dữ liệu chính xác, việc khẳng định chắc chắn là chưa thể.

"Tuy nhiên, theo dữ liệu hiện tại từ một số nguồn về Âm lịch của Trung Quốc kết hợp với tra cứu dữ liệu thiên văn về pha Mặt trăng thì đúng là năm Mậu Thân 2148 sẽ có hai tháng Giêng. Năm 2148 sẽ có 2 ngày mùng 1 tháng Giêng là chủ nhật 21-1-2148 và thứ ba 20-2-2148 Dương lịch", chuyên gia nói.

Mặc dù vậy, theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, việc “đón Tết 2 lần” là điều khó có thể xảy ra.

"Chúng ta ăn Tết để đón năm mới chứ không phải để đón tháng Giêng. Hơn nữa, giả sử như sau hơn một thế kỷ, chúng ta vẫn sinh hoạt và làm việc theo những quy tắc hành chính hiện nay thì không nơi nào để bạn nghỉ tới hai đợt nghỉ lễ như vậy cả", chuyên gia nói.

Dù có 2 tháng Giêng, khó có chuyện được đón hay nghỉ Tết 2 lần. Ảnh: Tú Ánh
Dù có 2 tháng Giêng, khó có chuyện được đón hay nghỉ Tết 2 lần. Ảnh: Tú Ánh

Ông Tuấn Sơn cũng giải thích thêm, tháng nhuận trong Âm lịch là tháng được thêm vào để Âm lịch cân bằng với Dương lịch, hay nói cách khác là cân bằng tương đối với chu kỳ biến đổi thời tiết (do 12 tháng Âm lịch có tổng độ dài ngắn hơn năm Dương lịch xấp xỉ 10 ngày).

Theo quy tắc của Âm lịch, một tháng bắt đầu vào ngày có chứa “điểm sóc”, tức là thời điểm mà phần được chiếu sáng của Mặt trăng hoàn toàn không hướng về phía Trái đất (trong thiên văn gọi là điểm Trăng non/New Moon).

Với những năm cần có tháng nhuận, tháng được chọn để làm tháng nhuận (tức là có hai tháng liền nhau cùng tên) là tháng mà giữa hai điểm sóc không có ngày khởi đầu của trung khí nào trong số 12 trung khí của lịch tiết khí.

Ví dụ, năm 2025 là năm nhuận tháng Sáu. Tháng Sáu Âm lịch bắt đầu vào ngày 25-6 và kết thúc vào 24-7 Dương lịch. Tháng tiếp theo đó bắt đầu vào ngày 25-7 và kết thúc vào 22-8. Tháng này bắt đầu sau điểm khởi đầu của trung khí tên là “Đại thử” (23-7) và kết thúc trước “Thu phân” (23-8), do đó nó được chọn là tháng Sáu nhuận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi nào có 2 Tết Nguyên đán trong một năm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.