Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tay nghề vững - rộng tương lai

Hiền - Hương| 19/05/2019 06:46

(HNM) - Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động muốn đáp ứng tốt yêu cầu công việc, trước hết phải vững chuyên môn, tay nghề, có khả năng làm chủ máy móc, khoa học - công nghệ. Nói cách khác, đội ngũ công nhân kỹ thuật cao đang có nhiều cơ hội việc làm, tương lai rộng mở.

Thành phố Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực có tay nghề cao.Ảnh: Minh Ngọc


Lao động giá rẻ không còn là thế mạnh

Thực tiễn đã chứng minh, khoa học - công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng do con người tạo ra, cho nên con người luôn là trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp đã ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào tạo, thu hút người tài bằng chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Nam, Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc), Công ty TNHH Hanwha Aero Engines sẵn sàng trả lương cao để có được đội ngũ lao động giỏi, nhưng không dễ tuyển dụng. Bởi, những lao động vững chuyên môn, tay nghề cao thường có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm.

Còn sinh viên Nguyễn Văn Minh, Khoa Điện (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi giành Huy chương vàng tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018, em được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc, nhưng chưa nhận lời đơn vị nào. Em muốn tạo thêm cơ hội việc làm cho bản thân bằng cách tiếp tục học tập, rèn nghề, cố gắng chinh phục giải cao tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, diễn ra tại Nga vào tháng 8-2019".

Từng giành Huy chương vàng kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2016 với nghề tự động hóa công nghiệp, danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi Thủ đô năm 2016”, em Đỗ Văn Huy, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội dễ dàng có việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Hiện tại, Huy đang làm việc cho Công ty TNHH Minh Thái và có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc, được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong những năm gần đây, cả nước có khoảng 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay với mức lương khởi điểm 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý là có 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề uy tín đều có việc làm. Điều đó chứng tỏ thị trường đang rất cần đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, thợ lành nghề. Trong khi đó, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho rằng, lao động giá rẻ không còn là thế mạnh của Việt Nam.

Lực lượng lao động kỹ thuật cao đang có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Tiếc rằng, trong bức tranh tổng quát về thị trường lao động, lực lượng lao động đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 20% và công nhân có trình độ kỹ thuật cao mới chiếm 19%.

Nhằm khắc phục tình trạng này, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chỉ thị chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, đơn vị, địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng con đường phát triển giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng luôn đồng hành, khuyến khích người lao động rèn luyện, nâng cao tay nghề.

Được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, nhiều lao động đã có những sáng kiến, sáng tạo để cải tiến kỹ thuật, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động… cho doanh nghiệp.

Ưu tiên đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến để tìm kiếm lao động kỹ thuật cao.Ảnh: Hà Hiền


Nhằm bổ sung cho thị trường lực lượng lao động có khả năng làm chủ máy móc, khoa học - công nghệ, các cơ quan, đơn vị chức năng đang cố gắng đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng liên kết giữa người học và thị trường lao động; đồng thời quan tâm, ưu tiên đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. “Hiện cả nước có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao vào năm 2020”, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Thành phố Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện để các nhà trường và doanh nghiệp liên kết đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Trong những năm gần đây, mô hình đưa nhà trường trở thành nhà máy và đưa nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất trở thành địa điểm học thực hành của học sinh, sinh viên học nghề ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, thành phố có khoảng 700-800 doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề và hàng nghìn doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề là giải pháp tối ưu để người học rèn luyện tay nghề, hình thành thói quen, tác phong làm việc công nghiệp”, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội khẳng định.

Cùng với đó, Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Đến nay, Hà Nội đã có Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được đầu tư hoặc định hướng đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực, quốc tế.

Ngoài ra, thành phố có 21 ngành, nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực, theo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường.

“Riêng năm 2018, các đơn vị tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018, đoàn Hà Nội giành giải Nhất với 36 huy chương các loại, trong đó có 15 Huy chương vàng. Tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 sắp diễn ra, Hà Nội cũng có số lượng thí sinh tham gia đông nhất. Đáng mừng hơn, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đang lan tỏa mạnh mẽ trong các trường nghề”, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.

Ngoài những giải pháp đã triển khai, ông Đàm Quang Thắng, thành viên Ban Cố vấn Chương trình khởi nghiệp quốc gia kiến nghị thành phố Hà Nội đưa tinh thần khởi nghiệp vào trường học từ bậc phổ thông. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hay câu lạc bộ khởi nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập với tinh thần làm chủ máy móc, thiết bị. Còn theo bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), người học nghề, làm nghề hãy làm việc bằng sự đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...

Qua những dẫn chứng nêu trên cho thấy, dù làm công việc gì, ở vị trí nào, những công nhân vững vàng trình độ chuyên môn, tay nghề, có tinh thần sáng tạo sẽ có nhiều cơ hội, tương lai rộng mở và dễ dàng thành công trong sự nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tay nghề vững - rộng tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.