Ít nhất 94 người thiệt mạng khi một chiếc thuyền chở người châu Phi di cư chìm ngoài khơi hòn đảo Lampedusa của Italy, thị trưởng hòn đảo nói.
Giới chức nói hiện vẫn còn khoảng 200 người mất tích |
Tin cho hay những người trên thuyền đã nhảy xuống biển khi tàu trục trặc, và giới chức Italy được trích lời nói hàng chục người vẫn dưới nước.
Hầu hết các hành khách là người đi từ Eritria và Somalia, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết.
Chiếc thuyền được cho là đã khởi hành từ Libya, theo lực lượng tuần duyên Ý. Hồi đầu tuần, 13 người di cư đã chết đuối khi tìm cách vào đảo Sicily.
Trong vụ việc mới nhất, Simona Moscarelli, nữ phát ngôn nhân của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) tại Rome nói với BBC rằng "tại một thời điểm, lửa bùng lên trên thuyền khiến người nhập cư dịch chuyển toàn bộ sang một bên tàu, khiến tàu lật".
Bà ước tính chỉ có ba trong số khoảng 100 phụ nữ có mặt trên tàu sống sót, và nói thêm rằng hầu hết những người di cư đều không biết bơi.
Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở ngoài khơi nước Ý trong những năm gần đây. Thủ tướng Enrico Letta viết trên twitter rằng đó là "một bi kịch lớn". Con tàu được cho là khi đó đang chở khoảng 500 người.
Cũng hôm thứ Năm, truyền thông địa phương tường thuật rằng chừng 200 người di cư đã được áp tải tới cảng Syracuse trên đảo Sicily, nơi con tàu đã gặp khó khăn cách bờ chừng năm dặm.
Truyền thông địa phương nói có ít nhất một em nhỏ và một thai phụ nằm trong số những người thiệt mạng, và rằng một nghi phạm buôn người đã bị bắt giữ.
Vào thời điểm này hàng năm, khi Địa Trung Hải thường lặng sóng hơn, tàu bè chở người di cư từ châu Phi và Trung Đông đổ vào các vùng bờ biển phía nam nước Ý hầu như hàng ngày, phóng viên BBC Alan Johnston tường thuật từ Rome. Tuy nhiên, các con tàu thường chở quá đông, và không an toàn để đi biển.
Liên hiệp quốc nói trong những tháng gần đây, hầu hết số người di cư tìm cách bỏ chạy khỏi các cuộc xung đột tại Syria và Sừng Châu Phi thay vì đi từ vùng hạ Sahara.
UNHCR nói hơn 1.500 người đã bị chết đuối hoặc mất tích khi tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu trong 2011, khiến vùng biển này trở thành "vùng nước chết chóc nhất cho người tị nạn và người di cư".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.