(HNM) - “Phát triển mạnh” là nhận định đáng mừng hiện nay về ngành chăn nuôi bò sữa cả nước, với số lượng 275.000 con bò và sản lượng sữa khoảng 800.000 tấn/năm. Nếu theo “Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và mục tiêu của ngành chăn nuôi bò sữa thì việc nâng tổng đàn bò lên 500.000 con cùng sản lượng sữa đạt 1 triệu tấn/năm có thể không khó.
Song đây chưa phải là câu chuyện quan trọng nhất của ngành chăn nuôi bò sữa cả nước.
Thực chất, song song với phát triển số lượng, việc làm thế nào xóa bỏ lối chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng thiếu ổn định, liên kết sản xuất và tiêu thụ lỏng lẻo…, để từ đó đưa ngành chăn nuôi bò sữa đi lên bền vững, góp sức xây dựng diện mạo mới của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam mới là điều đáng bàn.
Có thể thấy rõ tình trạng phân tán trong chăn nuôi bò sữa khi 70-75% tổng đàn trong tay nông hộ. Ngay ở Hà Nội, 95% số bò sữa đang được nuôi theo mô hình này. Quy mô chăn nuôi lại nhỏ, trung bình 4-5 con/hộ, chỉ bằng 1/3 đến 1/2 quy mô nông hộ ở Thái Lan. Chuyện ồ ạt chăn nuôi bò sữa theo phong trào, chăm sóc theo kỹ thuật “truyền miệng”… tất yếu dẫn đến cảnh chất lượng sữa thất thường, bị doanh nghiệp từ chối, phải bán bò cắt lỗ. Nguồn cung yếu thì doanh nghiệp cũng khó “khỏe”; chất lượng sữa chưa cao thì ngành chăn nuôi bò sữa cũng khó mà đáp ứng được thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Ngẫm ra, sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay phản chiếu phần nào tư duy manh mún, nhỏ lẻ nói chung của nhiều lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Phát triển bền vững chăn nuôi bò sữa, một trong những ngành nhiều tiềm năng, lợi thế, cần phải đặt trong tinh thần của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết hội nghị lần thứ tư, BCH TƯ Đảng khóa XII (NQ TƯ 4 khóa XII) “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã nêu rõ vấn đề này trong mục “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể, phải “phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn”.
Vấn đề đặt ra là hợp tác, liên kết thế nào? Làm gì để liên kết giữ được ổn định, bền vững?
Câu trả lời ở đây trước hết phụ thuộc cơ chế, chính sách: Bộ NN&PTNT cần sớm có Quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để doanh nghiệp, người dân tham gia lĩnh vực này mạnh dạn đầu tư bài bản, quy mô, liên kết chặt từ cung cấp con giống, thức ăn đến chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, phải “có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” như tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XII; nhất là trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Đặc biệt, nói như TS Helmut Born, Tổng Thư ký Hiệp hội nông dân Đức với các nông hộ là “Làm nông dân cũng phải học!”. Học về kiến thức sản xuất, kinh doanh đã đành, nhưng cũng cần phải học cả cách xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu nông sản; và đặc biệt phải học cả cách liên kết sao cho bền vững với doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác dài lâu, hai bên cùng có lợi...
Khi tất cả cùng chuyển động để liên kết sẽ tạo nên sức mạnh phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, rộng ra là góp phần đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Bởi đơn giản, đã hết thời của tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.