Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung ứng phó mưa lũ tại miền Trung, Tây Nguyên

Kim Nhuệ| 17/10/2021 13:01

(HNMO) - Trưa 17-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1388/CĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên tập trung ứng phó mưa lũ.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố, khu dân cư ở tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu trong nước.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên từ đêm 15-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, một số nơi đã xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở gây chia cắt giao thông.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ nay đến ngày 18-10, các khu vực nêu trên tiếp tục xảy ra mưa lớn, trong đó các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có tổng lượng mưa 150-300mm, cục bộ có nơi cao hơn 350mm, các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum 80-150mm, cục bộ có nơi cao hơn 200mm. Các tỉnh, thành phố, khu vực nêu trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông...

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố, khu vực nêu trên triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".

Trong đó, tập trung rà soát, huy động lực lượng sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020; bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ.

Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn.

Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ứng phó mưa lũ tại miền Trung, Tây Nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.