(HNMO) - Đêm nay (10-10) và ngày mai, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục mưa to đến rất to; nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó mưa lũ.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã xảy ra mưa rất lớn, gây ngập lụt tại nhiều nơi thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...
Tính đến 17h ngày 10-10, mưa lũ đã làm 1 người mất tích (ở tỉnh Quảng Nam); 858 ngôi nhà bị ngập (Bình Thuận 46 ngôi nhà, Quảng Ngãi 98, Đà Nẵng 714)... Ngoài ra, mưa lũ còn làm 392ha cây ăn quả bị ngập, 310 gia cầm bị cuốn trôi; 50 điểm đường ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng bị úng ngập...
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm nay (10-10) và ngày mai, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; trong đó, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định mưa rất to; nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu tại vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi...
Trước tình hình trên, chiều tối 10-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 908/CĐ-TTg yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30-9-2022.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Cùng với nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt; chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại những khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10-10, các tỉnh, thành phố đã cử đoàn xuống địa phương kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là chỉ đạo bố trí lực lượng chốt chặn ở các vị trí ngầm, tràn nguy hiểm... Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam đang theo sát diễn biến thời tiết và tình hình ngập lụt để quyết định cho học sinh nghỉ học...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.