(HNMO) - Chiều 17-6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Dự án Luật tập trung vào sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Nội dung dự án Luật cũng đề cập việc minh bạch hóa các quy định, nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Tán thành về sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho biết, ngoài lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng còn nhiều lao động đi làm việc không qua kênh chính thức, lao động “chui”.
“Mặc dù có thu nhập ổn định, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, khoảng 76% người lao động làm việc tại nước ngoài đối mặt với một số hình thức vi phạm quyền lao động và ít được tiếp cận các hình thức giải quyết pháp lý”, đại biểu nêu rõ. Do đó, đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật phải được thực hiện theo hướng hoàn thiện, làm rõ cơ chế pháp lý để bảo vệ người lao động ở nước ngoài.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu con số, khoảng 52% người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hình thức hợp pháp, có hợp đồng; có khoảng 48% người đi nước ngoài lao động theo hình thức bất hợp pháp. Do đó, đại biểu đề nghị đưa đối tượng đi lao động bất hợp pháp vào quy định trong luật để có cơ chế bảo hộ khi có sự cố xảy ra trong quá trình lao động tại nước ngoài.
Việc nâng cao chất lượng lao động làm việc tại nước ngoài là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nguồn lực, sự quan tâm cho vấn đề này còn hạn chế. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang), đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến, cần thống nhất quan điểm lao động đi làm việc tại nước ngoài phải được nâng cao về chất lượng hơn về số lượng để tham gia được thị trường lao động chất lượng cao của thế giới.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, trước đây người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông thì nay phải cơ cấu, thay đổi lại theo hướng lao động trình độ cao. Để làm được việc này thì cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị đưa người lao động đi nước ngoài và cả người lao động cần thay đổi về tư duy, nhận thức và cách làm.
Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) kiến nghị, cần đánh giá hiệu quả chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ và triển vọng phát triển trong tương lai để đưa nội dung này quy định thành riêng một điều khoản trong Luật.
Các đại biểu cũng phát biểu ý kiến về một số vấn đề, như: Thời hạn cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài; doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; bổ sung quy định về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng…
Giải trình tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bình quân mỗi năm có hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài; hiện có khoảng 580.000 người Việt Nam đang lao động ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, nhận thức của người lao động, đến nay tỷ lệ người lao động bỏ trốn còn khoảng 24%. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tiến hành xử phạt 118/459 doanh nghiệp vi phạm trong việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận về nội dung này. Sau phiên thảo luận, các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.