(HNMO) - Chiều 25-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội khóa XV đã thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội không chỉ từ nay đến cuối năm 2021 mà còn trong giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ cũng như Quốc hội về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 với tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%. Theo đại biểu, nhiệm vụ quan trọng nhất cần làm hiện nay là tập trung nguồn lực cao nhất để thu dung, điều trị và cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng để làm sao hạn chế thấp nhất các ca bệnh tử vong.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, thực tế đang chứng minh "mục tiêu kép" vừa qua là đúng đắn và chúng ta đang đi đúng hướng. Vì thế, đại biểu cho rằng, rất cần thiết ghi vào nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất của Quốc hội nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Tờ trình số 262 ngày 24-7-2021 của Chính phủ để luật hóa sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người không kém những tổn thất về kinh tế gây ra.
"Vì thế, song song với việc tìm những giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân. Trong đó, cần quan tâm và bảo đảm nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội sau đại dịch. Cùng với đó, lắng nghe, rà soát, kịp thời xử lý các dư luận xã hội tiêu cực, sai lệch, gây chia rẽ, mất đoàn kết", đại biểu nêu ý kiến.
Cảnh báo biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 diễn biến rất phức tạp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần thực hiện tốt 3 nguyên tắc mà nhiều nước đang áp dụng trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là chống lây lan tối đa; giảm tỷ lệ tử vong tối đa và bảo đảm phát triển kinh tế.
"Tôi xin nhấn mạnh vào nguyên tắc giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, chúng ta phải chia công tác chống dịch thành 3 tầng như Bộ Y tế đã hướng dẫn. Trong đó, tầng thứ nhất là xây dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho người nhiễm F0 không có triệu chứng. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là không để bỏ sót các triệu chứng và thực hiện nghiêm các quy định trong cách ly tập trung. Tầng thứ hai là điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện cho bệnh nhân ở mức độ vừa chưa cần thở máy. Tầng thứ ba là tầng quan trọng nhất nhưng lại yếu nhất, đó là các trung tâm điều trị bệnh nhân F0 nặng nguy kịch. Vì thế, chúng ta cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và số giường điều trị không thấp hơn 5% số ca nhiễm", đại biểu nói.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất
Phát biểu tiếp thu các ý kiến và giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã đưa ra gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ là 26.000 tỷ đồng và chi phí chống dịch là 5.156 tỷ đồng; đồng thời, xây dựng được Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là 8.300 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để thực hiện về việc chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ thực hiện chủ trương là giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi về hội họp, công tác phí, đi công tác nước ngoài. Đồng thời, nâng cao hiệu quả về đầu tư công; cắt giảm những dự án không hiệu quả và các dự án vay ưu đãi; quản lý tốt thị trường bảo hiểm, thị trường tiền tệ...
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của trung ương và địa phương chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; thiết lập kho dã chiến về trang thiết bị tại khu vực phía Nam để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng.
"Về vắc xin tiêm chủng cho người dân, đến nay, chúng ta đã có cam kết, thỏa thuận, nhận được nhiều nguồn viện trợ của các nước: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Italia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021. Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vắc xin để bảo đảm cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng", Bộ trưởng cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự báo dịch còn tiếp tục kéo dài ở các địa phương và gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, đồng thời đứt gãy các nguồn cung cấp lao động cho các ngành hàng này.
Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị đẩy mạnh các mặt hàng, sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đồ tươi sống, rau củ quả ở cả địa phương có dịch và những vùng đệm trên cả nước để sẵn sàng cung ứng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thời gian tới khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực sẽ rà soát các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
"Bộ đã kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng hỗ trợ cũng như các doanh nghiệp tham gia cụm, chuỗi liên kết cũng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho doanh nghiệp hiện nay. Cùng với đó là tạo cơ chế “luồng xanh” để cho hàng hóa của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là đẩy nhanh cơ chế tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Kết thúc ngày thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong một ngày thảo luận tại hội trường đã có 39 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các bộ trưởng các bộ đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
"Qua ý kiến các vị đại biểu thảo luận tại hội trường cho thấy, Quốc hội và cá nhân mỗi đại biểu luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.