Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Cần môi trường hơn mô hình

Phan Long| 28/03/2010 07:32

(HNM) - Vấn đề tập đoàn kinh tế tư nhân đang được nhiều doanh nhân, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đưa ra bàn luận trong thời gian gần đây. Thiết lập một mô hình với các tiêu chí sẵn có hay tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trên con đường vươn lên thành các tập đoàn theo quy luật kinh tế thị trường là hai phương án được quan tâm nhiều nhất.

Sản xuất phôi thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát. Ảnh: TTXVN


Không có mô hình mẫu
Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay không có một khái niệm thống nhất về tập đoàn ở các quốc gia và giữa các ngành luật trong cùng một quốc gia. Đa số không định nghĩa thế nào là tập đoàn mà chỉ có định nghĩa về công ty con.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về tập đoàn. Nhìn chung, pháp luật dừng lại ở việc quy định chế tài, theo đó coi tập đoàn như một định chế và không có hướng dẫn thành lập, tổ chức. Tập đoàn là “tập hợp” hoặc “nhóm” công ty chứ không phải là một thực thể độc lập. Các công ty trong nhóm thường có mối quan hệ chặt chẽ (chi phối sở hữu hoặc quản lý). Trên thực tế, tập đoàn không hình thành một lúc mà là cả một quá trình, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, tập quán kinh tế… Tại các quốc gia trên thế giới, sự hình thành và phát triển tập đoàn không cần phải chờ quy định pháp luật mà xuất phát từ bản thân nhu cầu phát triển kinh tế. Hiện chỉ có 3 nước có quy định riêng điều chỉnh tập đoàn là Đức, Bồ Đào Nha và Braxin.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp đã đề cập đến khái niệm tập đoàn nhưng không rõ ràng và nếu theo suy luận thông thường thì nhóm công ty bằng tập đoàn, tập đoàn bằng công ty mẹ - con và bằng tổ hợp kinh doanh có hai cấp doanh nghiệp. Chính sách khuyến khích hay hạn chế phát triển tập đoàn chưa rõ… Từ thực tế kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới - việc hình thành và phát triển tập đoàn không cần phải chờ quy định pháp luật (bản chất kinh tế) - các chính sách chỉ nên tập trung định hướng sự phát triển và cách thức tổ chức tập đoàn.

Nhất thiết phải có những tập đoàn lớn
Việc “đầu tư” tập đoàn sẽ tạo sức bật rất lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Việt Nam phải có những doanh nghiệp có quy mô có thể so sánh được với thương hiệu lớn như Sony, Samsung, Hyundai… Nếu không, Việt Nam không thể có vị trí cao trên thị trường thế giới. Tập đoàn FPT được cho là lớn so với số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhưng quá bé so với tiêu chuẩn doanh nghiệp lớn của thế giới. Thời gian đầu khi FPT đi tiếp thị sản phẩm phần mềm mở, nước ngoài đối tác đưa ra câu hỏi khá bất ngờ: “Ở nước ông có điện không?”. Mình đi tiếp thị phần mềm mà họ lại hỏi có điện không? Nhưng điều đó khá lôgíc bởi trong con mắt của họ, Việt Nam vẫn là một nước có nền kinh tế lạc hậu, chưa có những công ty với thương hiệu lớn mạnh - ông Bình kể lại, đồng thời đánh giá là các quy định của Luật Doanh nghiệp đã đủ để các doanh nghiệp lớn lên, tích tụ, liên kết thành tập đoàn nhưng là dành cho khu vực nhà nước. Tuy nhiên, đối tượng này... to và cồng kềnh, không biết cơ cấu, còn doanh nghiệp tư nhân không có những vấn đề đó.

Tập đoàn Mai Linh, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Ảnh: Trung Kiên


Hướng đi nào?
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho biết, hiện tại, Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang gấp rút xây dựng dự thảo về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính: Kinh nghiệm quốc tế, những đặc trưng của kinh tế Việt Nam và vai trò các tác nhân có liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp và hội). Mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới rất đa dạng. Ở Mỹ và châu Âu, thông thường tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành thông qua quá trình sáp nhập hoặc mở rộng. Các nước Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc, do phát triển sau nên họ không đi lại con đường dài như của Hoa Kỳ hay châu Âu. Họ có sự “dẫn dắt” của nhà nước để các tập đoàn đi đúng quy luật thị trường, phát triển nhanh hơn. Vai trò của nhà nước là xây dựng khung pháp luật, các thể chế, chính sách thúc đẩy tập đoàn kinh tế phát triển.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, một trong những hướng đi thích hợp trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể liên doanh với tập đoàn nhà nước để rút ngắn đường đi. Cổ phần hóa, với sự tham gia của các tư nhân, với mức vốn nhà nước có thể chiếm ưu thế trong những lĩnh vực nhà nước chi phối thì có thể giải được bài toán khai thác thế mạnh, nguồn lực hiệu quả và vẫn bảo đảm kiểm soát nhà nước trong những lĩnh vực then chốt.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đề nghị dùng từ tập đoàn kinh tế đại chúng thay vì tư nhân để rõ nghĩa hơn bản chất của tập đoàn kinh tế trong khu vực tư nhân. Hiệu quả, lợi ích của tập đoàn kinh tế mang bản chất đại chúng sẽ khác nhiều so với chỉ của một ông chủ. Khi đó, cách ứng xử của chính sách, của Chính phủ cũng theo hướng vì lợi ích chung của nền kinh tế, của đông đảo giới đầu tư kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, trong điều kiện Việt Nam, hợp nhất, sáp nhập là con đường nhanh nhất để một doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp lớn. Một yếu tố nữa là bản thân các công ty phải có chiến lược, tầm nhìn tốt cũng như quản trị phải minh bạch… Không quy định nào cấm doanh nghiệp phát triển thành tập đoàn và các doanh nghiệp không nên đòi hỏi nhiều ở Chính phủ mà yêu cầu quan trọng nhất là tạo điều kiện về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện các tập đoàn kinh tế nhà nước được hưởng rất nhiều ưu đãi, lợi thế, vì vậy cần thiết phải xây dựng được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong khi đó, năm 2009, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạt mức tăng trưởng 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế là 5,32%. Dù sao, các tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu so sánh hiệu quả sử dụng đồng vốn, lao động… khu vực kinh tế tư nhân vẫn đạt kết quả hơn. Vấn đề đặt ra là cần phải phân bổ lại các nguồn lực sao cho hợp lý hơn, vì sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, không phân biệt tư nhân hay nhà nước.

Điểm mấu chốt là các chính sách chỉ nên định hướng sự phát triển và cách thức tổ chức tập đoàn nhằm tạo sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp đang thực sự có mong muốn và khát vọng sớm trở thành tập đoàn theo các quy luật kinh tế.

Hiện nay, nhiều mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành và phát triển như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Mai Linh, Phú Thái Group, Saigon Invest Group, Đồng Tâm... Quy mô và tốc độ phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, bản thân từ "tập đoàn" đặt vào tên doanh nghiệp chưa tạo thành tập đoàn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn kinh tế tư nhân: Cần môi trường hơn mô hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.