Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo phương thức mới

Xuân Trường| 20/12/2021 06:15

(HNM) - Muốn phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, điều kiện đầu tiên cần có là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, thời tiết, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, thương mại điện tử, thị trường… Muốn nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, bên cạnh chất lượng cần minh bạch dữ liệu, thông tin sản phẩm. Do vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là đòi hỏi từ thực tế, là điều kiện bắt buộc trong "sân chơi" mở của thời hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, đây còn là động lực để xây dựng nền nông nghiệp thông minh với những người nông dân có trình độ công nghệ, từ đó, tạo ra những phương thức sản xuất, kinh doanh mới.

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, quản lý nguyên liệu và đã mang lại hiệu quả rõ nét như tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận... Đây cũng chính là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu của nông nghiệp nước nhà là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết.

Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu từ nỗ lực tự thân, riêng lẻ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Thực tế, chúng ta chưa có cách tiếp cận đúng nghĩa của chuyển đổi số; do vậy, chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số toàn diện, nên không chỉ thiếu cơ sở dữ liệu cho sản xuất mà còn thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin trong quá trình sản xuất, quản lý cũng như vấn đề kho bãi, thương mại nông sản...

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên rất nhiều, nhưng tựu trung, theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp là trình độ công nghệ chung vẫn ở mức thấp, hạ tầng số hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển… Và hoàn toàn có thể nói rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không thể tách rời với chính quyền nông thôn số và cộng đồng nông thôn số. Vậy, đâu là giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp?

Trước hết như trên đã nói, nông nghiệp không thể đứng độc lập trong tiến trình chuyển đổi số. Muốn có thành công, tất cả phải cùng làm, nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ người nông dân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin, trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình chuyển đổi số với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất. Nói cách khác, nông dân số là yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp đến là các chính sách, cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực nhập cuộc trong chuyển đổi số. Các chủ thể này cần khẳng định vai trò tiên phong và là đầu tàu, chủ động trong việc thiết lập các ứng dụng số cho chuỗi liên kết, hợp tác; tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với người nông dân; dẫn dắt người nông dân tham gia tiến trình chuyển đổi số. Cùng với đó là hình thành các doanh nghiệp số để cung cấp công nghệ và tư vấn chuyển đổi số cho hợp tác xã, người nông dân…

Mặt khác, chuyển đổi số không dừng lại ở việc số hóa các dữ liệu mà quan trọng hơn là ứng dụng công nghệ số để tạo ra những phương thức sản xuất, kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp - mở ra thời đại phát triển mới của nông nghiệp thông minh. Do vậy, đây không chỉ là việc phải làm của ngành Nông nghiệp, của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân (dù là chủ thể), mà phải là nỗ lực chung, trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chuyển đổi số trong nông nghiệp chỉ thành công trên nền tảng số hóa đồng bộ và tất cả cùng làm, cùng thụ hưởng thành quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo phương thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.