(HNM) - Mặc dù chỉ là đơn vị y tế tuyến quận, huyện, nhưng trong những năm trở lại đây, nhiều bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, tạo nên những đột phá trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân. Điều này đã tạo dựng được niềm tin của người dân đối với y tế cơ sở.
Hết thời “kính chuyển”...
Cách đây hơn 1 tháng, vào nửa đêm, bệnh nhân P.H.L. (55 tuổi, trú tại Thủ Đức) đột ngột đau ngực dữ dội, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào ngừng tim, ngừng thở, hôn mê. Bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt nội khí quản, thở máy và hội chẩn cùng với các bác sĩ can thiệp mạch vành. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất, đây là trường hợp rất nguy kịch ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ nhất và quyết định thông tim can thiệp mạch vành cấp cứu.
Nhận được sự cố vấn chuyên môn từ chuyên gia Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đã nhanh chóng can thiệp mạch vành cấp cứu. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục thở máy và hồi sức tích cực. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn và được xuất viện.
Đây là một trong những ca khó, được Bệnh viện quận Thủ Đức xử lý kịp thời nhờ quy trình báo động đỏ nội viện với sự trợ giúp từ xa của bệnh viện tuyến trên đã giúp cứu sống người bệnh. Nếu như gần 10 năm về trước, những ca bệnh khó như trên đều phải “kính chuyển” lên tuyến trên, thì nay, Bệnh viện quận Thủ Đức đã làm chủ công nghệ, kỹ năng cấp cứu như một bệnh viện tuyến 1 của thành phố.
Trong số những kỹ thuật cao gây được tiếng vang mạnh mẽ trong giới chuyên môn mà Bệnh viện quận Thủ Đức triển khai phải kể đến kỹ thuật thông tim và phương pháp nút hóa chất động mạch, trị ung thư gan. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên thực hiện mổ tim hở với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, giúp giải quyết tình trạng số bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch khá lớn đang đổ về các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Còn với bà Đoàn Thị Thanh (ngụ phường 8, quận 11), trước đây mỗi lần vào các bệnh viện trung tâm để khám, bà phải đi từ 5h sáng để bốc số, xếp hàng đến lượt khám thì nay chỉ cần đi bộ đến khám tại Bệnh viện quận 11. “Không gian thoáng mát, bác sĩ tận tâm, làm rất chu đáo mà còn nhanh, chỉ nửa ngày là khám xong và lấy thuốc về nhà. Tôi không nghĩ là một bệnh viện quận mà giờ hiện đại như thế này”, bà Thanh chia sẻ.
Bệnh viện quận 11 cũng vừa được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là một trong ba bệnh viện quận, huyện tốt nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Nếu như năm 2018, tỷ lệ hài lòng của người bệnh chấm cho bệnh viện này là 92% thì năm 2019 tăng lên 94,5%. Bệnh viện quận 11 cũng đã nâng cấp cách quản lý và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 liên tục 2 năm do Tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế QMS đánh giá. Với cách quản lý tiêu chuẩn quốc tế, bệnh viện đều đặn nhích dần lên vị trí chất lượng tốt, năm 2017 đạt 3.63, năm 2018 là 3.83 và năm 2019 là 4.06.
Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết: “Kết quả này là nhờ trong các năm qua, bệnh viện luôn đặt mục tiêu tập trung đổi mới phong cách, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế, tăng sự hài lòng của người bệnh”.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Bệnh viện “số” là công trình giải nhất Giải thưởng y tế thông minh 2019 của Bệnh viện quận Thủ Đức. Với số lượt khám trung bình trên 6.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày nhưng tại đây hoàn toàn không có tiếng loa gọi tên bệnh nhân, quy trình khám bệnh ngoại trú đã được số hóa. Người dân có thể đăng ký khám bệnh với nhiều hình thức, quét trực tiếp mã QR code trên thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký qua website hoặc app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để đặt khám, hoặc đăng ký tại ki ốt khi tái khám…
Tại các phòng khám của bệnh viện đều có màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tự động bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận tiện để người bệnh theo dõi lượt khám. Người bệnh đi khám cũng không cần mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng. Tại đây cũng đã triển khai bệnh án điện tử tại 100% các khoa lâm sàng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ: “Xây dựng bệnh viện thông minh trong khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện đòi hỏi một lộ trình rất dài và bệnh viện đã có sự chuẩn bị nhiều năm. Bệnh viện xác định lấy người bệnh làm trung tâm, coi người bệnh là khách hàng, mọi cải tiến, cải cách, đầu tư công nghệ thông minh đều nhằm phục vụ cho bệnh nhân”.
Cũng là một trong ba bệnh viện quận nằm trong tốp 20 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2019, Bệnh viện quận 2 đã được UBND thành phố có quyết định nâng từ hạng II lên hạng I. Bệnh viện đã phát triển nhiều chuyên khoa nội, ngoại mũi nhọn, Trong đó, mũi nhọn chuyên khoa nội là các bệnh lý tim mạch, lão học, tiêu hóa, gan mật, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nội tiết… Mũi nhọn ngoại khoa là phẫu thuật thần kinh sọ não, lồng ngực mạch máu, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa. Hiện nay, số bệnh nhân đến Bệnh viện quận 2 khoảng 3.000-3.300 lượt/ngày.
Để có được những con số ấn tượng trên, theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, phải có “chiến thuật” tạo niềm tin cho bệnh nhân để thu hút họ đến bệnh viện. “Bệnh viện thu hút và kiện toàn đội ngũ nhân lực, hợp tác với các chuyên gia, mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đề án chuyển giao kỹ thuật tuyến trên. Bệnh viện còn thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại nhà (Homecare) là dịch vụ y tế cho những bệnh nhân không có điều kiện đến bệnh viện”.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho hay, những năm gần đây, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện đã thực hiện được rất nhiều các ca mổ cấp cứu nguy kịch, phức tạp, vốn rất dễ tử vong, nếu cấp cứu trễ trong vòng 5-10 phút. Đặc biệt, các bệnh viện cấp quận đã triển khai hiệu quả quy trình “báo động đỏ” nội và ngoại viện, liên viện, tạo cơ hội cứu sống được nhiều bệnh nhân bệnh lý nặng. Hiện nay, một số bệnh viện quận, huyện đã làm chủ kỹ thuật cao, khẳng định được thương hiệu và tạo dựng niềm tin của người dân vào y tế tuyến cơ sở nói riêng, ngành Y tế thành phố nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.