Sức khỏe

Không nên tin theo “bác sĩ Google” tự chữa bệnh “khó nói”

Thu Trang 19/10/2024 - 14:35

Đó là lời khuyên của PGS.TS Lê Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 11 với chủ đề “Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý hậu môn - trực tràng” diễn ra ngày 19-10 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

hoi-nghi-khoa-hoc-ngay-19-10(1).jpg
Quang cảnh hội nghị khoa học. Ảnh: P.V

Theo PGS.TS Lê Mạnh Cường, các bệnh lý về hậu môn - trực tràng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá. Các bệnh lý này tưởng đơn giản như: Trĩ, nứt, kẽ, rò hậu môn, táo bón, không đại tiện được…, nhưng nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị đúng và kịp thời, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn, ung thư trực tràng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh lý ung thư đại trực tràng chiếm 10% số bệnh lý về ung thư, bệnh trĩ ảnh hưởng trên 50% dân số, rò hậu môn ảnh hưởng trên 25% dân số, đại tiện không tự chủ ảnh hưởng trên 24%, đau hậu môn chiếm từ 4-18%, táo bón mạn tính từ 14-28%.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là một trong 10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới nam và nữ.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, Việt Nam mỗi năm có khoảng 14.000 ca ung thư đại trực tràng mắc mới và 7.000 ca tử vong do nhóm bệnh lý này. Thế nhưng, PGS.TS Lê Mạnh Cường cho rằng, những bệnh liên quan đến hậu môn - trực tràng được xem là bệnh “khó nói” nên người dân rất ngại đi khám và chia sẻ với bác sĩ. Nhiều người lên mạng, tự tìm kiếm thông tin để điều trị. Điều này vô cùng nguy hiểm.

“Trên thực tế, đã có trường hợp tự điều trị theo hướng dẫn ở trên mạng dẫn đến bị tai biến, bị hoại tử và phải làm hậu môn nhân tạo. Do đó, lời khuyên của chúng tôi là tuyệt đối không tin và nghe theo các phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học được lan truyền trên mạng xã hội”, PGS.TS Lê Mạnh Cường nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm nhiều năm điều trị cho bệnh nhân trong lĩnh vực này, PGS.TS Lê Mạnh Cường cho biết, hiện nay, việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị các bệnh lý về hậu môn - trực tràng có hiệu quả rất tốt. Nếu chỉ sử dụng y học hiện đại hoặc chỉ áp dụng y học cổ truyền trong điều trị các bệnh lý này thì không thể có hiệu quả tối ưu.

Để phòng các bệnh lý về hậu môn - trực tràng, các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần ăn thực phẩm nhiều chất xơ, uống nhiều nước, không hút thuốc, uống rượu bia, không tạo áp lực mạnh khi đại tiện, tránh ngồi lâu và thường xuyên tập thể dục...

Hội nghị khoa học lần thứ 11 năm nay quy tụ hơn 500 chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý, lãnh đạo, các nhà khoa học, các bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng với mục tiêu kết nối và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, các kết quả ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, những kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý hậu môn - trực tràng…, từ đó có giải pháp điều trị tích cực nhất cho người bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên tin theo “bác sĩ Google” tự chữa bệnh “khó nói”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.