Thời gian qua, hàng chục y, bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn bày tỏ bất bình vì phát hiện bị “ăn chặn” thù lao giảng dạy từ năm 2018 đến nay khi thỉnh giảng tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Những khuất tất này đã được phát hiện, song còn đó những dấu hiệu bất thường cần sớm được làm sáng tỏ...
Dấu hiệu bất thường
Trên ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile của nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thể hiện, từ năm 2018 đến nay, số tiền mỗi giảng viên chịu thuế hằng năm từ vài triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Thực tế họ chỉ nhận được số tiền rất ít ỏi và không tương ứng với số tiền phải chịu thuế. Với một số giảng viên thỉnh giảng, thu nhập này còn được khai bằng một mã số thuế khác mà họ không hề biết và khác với mã số thuế chính thức đang sử dụng tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Trong khi theo quy định pháp luật, mỗi người chỉ có một mã số thuế duy nhất.
Đáng nói, một số giảng viên thỉnh giảng có ký “Hợp đồng thỉnh giảng” với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, song hợp đồng này có dấu hiệu bị chỉnh sửa và trên đó có ghi mã số thuế, nhưng mã số thuế này lại không có thật. Vậy, ai chỉnh sửa và chỉnh sửa nhằm mục đích gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một số giảng viên thỉnh giảng bất bình: Sau cài đặt ứng dụng eTax Mobile, nhiều người phát hiện có 2 mã số thuế. Điều lạ là hầu hết mã số thuế thứ 2 cùng được lập tại một công ty có địa chỉ tại quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh), trong khi họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với doanh nghiệp này? Mã số thuế thứ hai của các giảng viên thỉnh giảng đều thể hiện thu nhập chịu thuế do Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chi trả, nhưng thực tế họ không được nhận số tiền này.
“Ai là người tạo ra mã số thuế thứ 2, thứ 3 của giảng viên thỉnh giảng? Ai đang lợi dụng những mã số thuế này và lợi dụng vào việc gì? Việc tập thể y, bác sĩ bị ỉm đi tiền thỉnh giảng lên tới hàng tỷ đồng trong suốt nhiều năm là dấu hiệu rất bất thường” - nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn bức xúc.
Sớm làm sáng tỏ để quy rõ trách nhiệm
Về phản ánh trên, PGS.TS Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định, sau mỗi kỳ học, nhà trường đã thanh toán đầy đủ các khoản chi phí cho bệnh viện, gồm: Phí quản lý, vật tư tiêu hao và thù lao giảng dạy cho giảng viên thỉnh giảng. Với khoản thù lao giảng dạy, nhà trường thanh toán đúng số tiết giảng và theo định mức (Phó Giáo sư: 150.000 đồng/tiết, Bác sĩ chuyên khoa II: 140.000 đồng/tiết...) và khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân. Số tiền sau khấu trừ thuế được nhà trường trả cho Phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Thanh Nhàn với đầy đủ giấy tờ biên nhận. “Nhà trường không tạo lập mã số thuế thu nhập cá nhân cho giảng viên thỉnh giảng, toàn bộ mã số thuế đều do phía Bệnh viện Thanh Nhàn cung cấp cho nhà trường”.
Khẳng định trước các giảng viên thỉnh giảng của Bệnh viện Thanh Nhàn tại cuộc họp ngày 13-9-2024, đại diện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thẳng thắn cho biết: Nhà trường đã trả xứng đáng và không thiếu một đồng cho bệnh viện. Theo đó, kinh phí vật tư tiêu hao được chuyển theo số tài khoản bệnh viện cung cấp; thù lao giảng dạy trả trực tiếp bằng tiền mặt cho Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Thanh Nhàn. Tổng kinh phí giảng dạy từ năm 2018 đến năm 2024 là 3.141.206.000 đồng.
Về phía Bệnh viện Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Lan Hương thông tin, bệnh viện đã nhận đủ số tiền là khoản vật tư tiêu hao do Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chi trả. Riêng thù lao giảng dạy, nhà trường chi trả bằng tiền mặt thông qua Phòng Chỉ đạo tuyến, nhưng đơn vị này chưa thông báo rõ với bệnh viện và các giảng viên thỉnh giảng. Theo giải trình của cán bộ Phòng Chỉ đạo tuyến, số tiền này chậm trả vì lý do khách quan (?).
Đáng lưu ý, sau khi đội ngũ y, bác sĩ có ý kiến, từ ngày 6-8 đến 14-9-2024, tài khoản của Bệnh viện Thanh Nhàn nhận được hơn 2,6 tỷ đồng với nội dung Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thanh toán tiền giảng dạy, từ tài khoản của 2 cá nhân (trong đó có 1 người là nhân viên Phòng Chỉ đạo tuyến). Bệnh viện đã yêu cầu 2 người này làm rõ số tiền nêu trên, song nhân viên Phòng Chỉ đạo tuyến đang xin nghỉ làm nên việc xác minh phải chờ.
Còn về mã số thuế thứ 2, thứ 3 của các y, bác sĩ, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, không tạo lập, không cung cấp thông tin cho cơ quan nào để lập mã số thuế. “Hiện tại không ai nhận là người tạo mã số thuế thứ 2, vì thế, các y, bác sĩ nên đề nghị cơ quan thuế làm rõ. Cá nhân, tổ chức nào tạo lập mã số thuế thứ 2 cho giảng viên thỉnh giảng trái quy định, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, đơn của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã được một số cơ quan chức năng thụ lý giải quyết. Để bảo đảm quyền lợi của giảng viên thỉnh giảng cũng như làm sáng tỏ sự thật, đề nghị các cơ quan, đơn vị sớm kết luận để quy rõ trách nhiệm đối với các chủ thể liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.