(HNM) - Trong những thập kỷ qua, thế giới phải đối mặt với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mới gia tăng như: Ebola, hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)... Ở Việt Nam, bệnh truyền nhiễm cũng thay đổi phức tạp, thậm chí, có diễn biến trái chiều so với lệ thường.
Điều này thấy rõ khi gần đây, có những bệnh vốn không xuất hiện ở miền núi, nhưng hiện đã có mặt ở khu vực này và có những bệnh thường gặp vào mùa đông - xuân, thì nay, mùa hè cũng có nguy cơ bùng phát; bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, nay chuyển sang cả người lớn…
Từ thực tế đó, ngày 17-7-2019, Bộ Y tế đã bổ sung 3 bệnh mới là thủy đậu, quai bị và rubella vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B - nhóm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong - phải cách ly y tế (Thông tư 17/2019/TT-BYT). Trong khi trước đó, Thông tư 13/2013/TT-BYT về hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ quy định 6 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, ho gà, sởi, bệnh than, viêm màng não do mô cầu, tay chân miệng. Đây là động thái kịp thời để có những giải pháp thiết thực nhằm ngăn ngừa và hạn chế các bệnh truyền nhiễm phát sinh.
Là địa phương đông dân cư, điểm đến và đi của nhiều người từ nhiều vùng địa lý ở trong và ngoài nước cũng như sự lưu thông lớn của hàng hóa nên Hà Nội có nhiều nguy cơ phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Vì thế, Hà Nội đã chủ động ngăn ngừa bằng việc chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế phù hợp với thực tế. Những mô hình linh hoạt của các đội cơ động dập dịch; việc giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay; trang bị máy đo thân nhiệt... và luôn sẵn sàng phương án xử lý khi có trường hợp nghi mắc bệnh đã giúp hạn chế hiệu quả bệnh truyền nhiễm nảy sinh trên địa bàn Thủ đô.
Song, điều đó là chưa đủ. Nhìn nhận về nguyên nhân gia tăng của các loại bệnh truyền nhiễm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học giải thích là do sự thay đổi trong đời sống xã hội. Trong đó có những yếu tố căn bản, làm thay đổi trực diện như dân số bùng nổ, du lịch phát triển, biến đổi khí hậu, buôn bán động vật hoang dã và vấn đề an toàn thực phẩm... Do đó, cần có các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh từ gốc để loại bỏ mối họa cho cộng đồng.
Trước tiên, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, những vấn đề đơn giản trong cuộc sống hằng ngày như giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi... đến những vấn đề lớn hơn như trồng cây xanh, chống rác thải nhựa... sẽ trở thành việc làm tự giác của mỗi cá nhân, góp phần làm môi trường sống thay đổi tích cực.
Do đặc thù lây truyền nhanh của bệnh truyền nhiễm nên với trường học, cơ quan công sở, khu công nghiệp - nơi tập trung số lượng lớn người, cần có biện pháp phòng, tránh hữu hiệu. Trong mỗi cơ quan, đơn vị cần có những quy định về giữ vệ sinh môi trường sống, làm việc; bảo đảm an toàn thực phẩm... Khi bệnh xuất hiện, không giấu thông tin, phải thông báo và phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng tìm phương án xử lý, khoanh vùng, dập bệnh nhanh nhất.
Về phía cơ quan chức năng, khi đến thời điểm các bệnh, dịch vào mùa, cần đa dạng hóa phương thức thông tin. Đặc biệt, hiện nay nhiều chính quyền địa phương ở Hà Nội đã sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... trong công tác quản lý, nên đây có thể là kênh tuyên truyền trực tiếp đến mỗi người dân và gia đình.
Đặc biệt, biện pháp đơn giản và hiệu quả rất cao - đó là tiêm vắc xin phòng bệnh. Làm tốt việc này sẽ giúp số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn và bệnh sẽ khó lây truyền...
Thực hiện tổng hòa những giải pháp trên sẽ tạo ra những “lá chắn” hiệu quả để phòng tránh bệnh truyền nhiễm lây lan trong cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.