Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn lực phát triển rừng

Chí Đạo| 02/03/2010 06:26

(HNM) - Dự thảo nghị định về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang được Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến trình soạn thảo để sớm trình Chính phủ phê duyệt.


Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý về rừng, chính sách này kỳ vọng giúp người bảo vệ và trồng rừng (gọi chung là người trồng rừng - NTR) tăng thu nhập, giữ nguồn nước cho sản xuất, tạo điều kiện tốt triển khai các chương trình, dự án nhằm mục đích bảo vệ và phát triển rừng.

Hàng hóa đặc biệt

Rừng nguyên sinh Pù Mát, điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh Nghệ An.

Bộ NN&PTNT cho biết, ngành lâm nghiệp hiện đang quản lý trên 13 triệu hécta rừng (tỷ lệ che phủ đạt gần 39%). Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2009 của cả nước là 246.891ha, trong đó rừng sản xuất trồng đạt 192.122ha, đạt 117,8% kế hoạch. Cũng trong năm 2009, đã giao khoán bảo vệ rừng được 2,87 triệu hécta, đạt 188,4% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh 563.293ha. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện cả nước đã cấp được hơn 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích khoảng 8,5 triệu hécta, trong đó 26,8% là giao cho các hộ gia đình. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các công ty lâm nghiệp và lâm trường quốc doanh quản lý là 2,27 triệu hécta; các ban quản lý rừng được giao 1,14 triệu hécta.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, môi trường rừng còn đem lại những giá trị to lớn cho con người như điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, cảnh quan, thẩm mỹ... PGS-TS Vương Văn Quỳnh, Trường Đại học Lâm nghiệp phân tích, với những tầng đất tơi xốp, lớp phủ thực vật dày đậm, rừng trở thành một trong những thảm thực vật có khả năng lưu giữ phần lớn lượng nước mưa để sau đó cung cấp từ từ vào sông suối và giảm xói mòn đất, bồi lấp lòng hồ và các dòng sông. Nhờ đó, rừng có tác dụng điều tiết nguồn nước và kéo dài tuổi thọ của hồ chứa nước cho các nhà máy thủy điện, hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, nghề cá, du lịch...

Tuy vậy, trong nhiều năm qua, NTR chỉ được hưởng một phần giá trị sử dụng trực tiếp hoặc được hưởng một phần tiền công bảo vệ rừng do Nhà nước chi trả, còn giá trị sử dụng gián tiếp chưa được quan tâm. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) Phạm Xuân Phương cho rằng, NTR gần như không đủ nguồn thu để tái tạo lại rừng và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Trong khi đó xã hội, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân nằm ngoài khu vực có rừng, không tham gia bảo vệ rừng và tái tạo rừng lại được hưởng lợi từ các dịch vụ do rừng tạo ra. Các nguồn lợi từ dịch vụ này có thể mất đi nếu NTR không được đền bù xứng đáng để tiếp tục bảo vệ rừng và cung ứng các dịch vụ. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị, tổng giá trị kinh tế của rừng bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp và giá trị phi sử dụng. Trong đó giá trị gián tiếp là các dịch vụ do rừng tạo ra và được nhiều người, thậm chí cả xã hội cùng hưởng lợi (điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, hấp thu các bon, cảnh quan, đa dạng sinh học…). Đây là loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn (chiếm tới 60 đến 80% tổng giá trị kinh tế mà rừng tạo ra) nhưng lại chưa hình thành thị trường trao đổi, buôn bán. Trên thực tế, các giá trị này của rừng đang được đánh giá thấp hơn so với giá trị vốn có của chúng.

Đi tiên phong

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ 2 hình thức chi trả DVMTR. Chi trả trực tiếp bao gồm các hoạt động giao dịch, trao đổi giữa người bán, người mua. NTR tạo được hoặc bảo vệ, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong rừng; những người muốn vào rừng để tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học… phải trả tiền. Chi trả gián tiếp là nếu giao dịch giữa người bán và người mua không thể thực hiện được trực tiếp, cần thông qua một bên trung gian đại diện cho cả 2 phía bởi NTR không thể đi bán cho từng người hưởng lợi. Trong vấn đề này, Nhà nước sẽ đại diện để thu tiền giữa người mua và người bán.

Xây dựng cơ chế chi trả DVMTR là nhằm xã hội hóa ngành lâm nghiệp, từng bước thiết lập cơ sở kinh tế bền vững góp phần bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng DVMTR. Tại hội thảo về xây dựng nghị định chính sách chi trả DVMTR mới đây, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị khẳng định: Việt Nam xây dựng chính sách chi trả DVMTR nhằm ổn định cuộc sống NTR để giữ nguồn nước phục vụ sản xuất và cuộc sống của người dân. Do vậy, các cơ sở sản xuất điện, nước sử dụng nguyên liệu đầu vào là nguồn nước từ rừng mang lại phải được tính toán để đưa vào cơ cấu giá thành sản phẩm, tạo ra doanh thu và trả một phần cho việc duy trì, bảo vệ nguồn nước từ hoạt động rừng mang lại. Trước đó, Việt Nam đã thí điểm chính sách này theo Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ ở tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Ông Jim Peters, Giám đốc Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á (ARBCP) đánh giá cao mô hình tại Lâm Đồng, Sơn La. Mô hình đã đưa ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc thu phí, chi trả bằng tiền mặt, thiết lập cơ chế giữa người mua, người bán một cách khoa học và công bằng. Khẳng định sự thành công của chính sách thí điểm này, ông Francis Donvan, Giám đốc đại diện cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á xây dựng chính sách này và nếu thực hiện thành công sẽ tạo thêm nguồn lực để bảo vệ rừng ở các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn lực phát triển rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.