(HNM) - Theo quy định pháp luật, cán bộ công đoàn (CĐ) là đại diện có vai trò, trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, CNVC và NLĐ.
Riêng điều này đã cho thấy tầm quan trọng của cán bộ CĐ, song điều đáng nói là hiện nay hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) không phải cán bộ CĐ chuyên trách, thiếu kiến thức pháp luật, nghiệp vụ CĐ, nên vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ còn mờ nhạt, chưa thực sự là chỗ dựa cho đoàn viên, NLĐ...
Công ty TNHH Sông Công là đơn vị có tổ chức công đoàn hoạt động mạnh. Ảnh: Bá Hoạt
Cán bộ CĐCS không có nghiệp vụ công đoàn
Khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với đội ngũ cán bộ CĐ ở 14 LĐLĐ tỉnh, TP và CĐ ngành TƯ, năng lực của đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐCS khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào công nhân, hoạt động CĐ trong điều kiện hiện nay. Ngay đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách, mới có 17,9% số cán bộ đáp ứng được yêu cầu công tác CĐ, 67% cần đào tạo thêm về lý luận CĐ và 15% cần bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ CĐ.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực cho biết, LĐLĐ TP hiện đang quản lý hơn 6.100 CĐCS tại các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập, nghiệp đoàn và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Với tổng số gần 1,5 triệu CNVCLĐ, nhưng hiện toàn TP chỉ có 14 cán bộ CĐCS chuyên trách, còn lại 22 nghìn cán bộ CĐCS không chuyên trách, hoạt động kiêm nhiệm và không có nghiệp vụ CĐ.
Ông Vũ Đình Huề, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm chia sẻ, Luật CĐ hiện hành đã quy định cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ, đó là khi quyết định buộc thôi việc, cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và thuyên chuyển công tác đối với ủy viên BCH CĐ thì phải được BCH CĐ cùng cấp thỏa thuận, đối với Chủ tịch BCH CĐ thì phải được CĐ cấp trên trực tiếp thỏa thuận. Tuy nhiên, do hầu hết cán bộ CĐCS không có nghiệp vụ CĐ, không có đủ trình độ kiến thức pháp luật, nên họ vẫn khó lòng bảo vệ được quyền lợi của bản thân mình, chưa nói đến việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Giải pháp nào nâng cao chất lượng CĐCS?
Tại nhiều hội nghị, hội thảo bàn về việc làm thế nào chuyển biến vai trò CĐCS, tạo niềm tin, chỗ dựa cho NLĐ, nhiều cán bộ CĐ cấp trên cơ sở ở các tỉnh, TP cho biết, vướng mắc lớn đối với tổ chức CĐ hiện nay là CĐ không quy hoạch được chức danh chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS, trong khi đó, đội ngũ cán bộ CĐCS thường xuyên biến động (do cán bộ CĐ chuyển đổi vị trí công tác hoặc tự thoái thác, không muốn đảm nhận chức danh CĐ), nên công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ CĐ không theo kịp sự biến động đó.
Trước nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của cấp CĐCS, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều giải pháp, cụ thể, gần đây nhất là tuần qua, Tổng Liên đoàn đã tổ chức hội thảo mang tầm quốc tế đóng góp ý kiến xây dựng bộ tài liệu đào tạo cán bộ CĐCS. Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, không có con đường nào khác để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS bằng việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động CĐ. Trước mắt, các cấp CĐ cần tích cực tăng cường chuẩn bị "hạt giống" - nguồn nhân lực cho công tác đào tạo và sau đó phải tính toán sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó phù hợp với tình hình cụ thể của từng cơ sở, ngành và địa phương.
Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học, cán bộ CĐ Việt Nam và bạn bè quốc tế để hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo cán bộ CĐCS. Bộ tài liệu sẽ tập hợp các quy định, định hướng của Tổng Liên đoàn về tổ chức và hoạt động của CĐCS; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, các quy định của Luật CĐ (sửa đổi), Bộ luật Lao động... bảo đảm khi ra đời đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ CĐCS.
"Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ Thủ đô giai đoạn 2012-2015" đặt mục tiêu đến năm 2015, Thủ đô có đội ngũ cán bộ BCH CĐCS có trình độ chuyên môn đạt 85% từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận đạt 35% trung cấp trở lên và phấn đấu bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ CĐ, kỹ năng hoạt động CĐ, pháp luật lao động và Luật CĐ cho 90% cán bộ CĐCS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.