(HNM) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn đi đầu cả nước bởi cách làm bài bản, khoa học, đi bước trước vững chắc và tính được bước sau để thực hiện. Thành phố luôn xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là quá trình lâu dài, liên tục, có điểm khởi đầu, không có kết thúc và bởi vậy, cần có những bước đi, cách làm thực chất, hiệu quả.
Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện, 356 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhiều khu vực nông thôn đã trở thành nơi đáng sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Các phong trào xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu, bền vững hơn, cộng đồng dân cư đã tham gia tích cực vào việc bàn bạc, đóng góp, kiến thiết quê hương. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là một số nơi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, song có tiêu chí đạt chất lượng chưa cao, chưa bền vững. Điển hình là những khó khăn trong thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng như xây dựng giao thông nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa… do cần kinh phí lớn, khó huy động nguồn lực, phần lớn dựa vào nguồn ngân sách. Việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới với các xã còn lại hoặc thực hiện mục tiêu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng đối mặt với một số khó khăn như thu hút đầu tư vào nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán... Đáng nói là môi trường nông thôn vẫn còn tình trạng ùn ứ rác thải, nước thải, làng nghề ô nhiễm…
Trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới càng về sau càng đặt ra những yêu cầu cao hơn, thì để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao, kiểu mẫu, cần phải tạo được nguồn lực dồi dào, vững chắc. Do đó, ngoài nguồn ngân sách, các địa phương cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, huy động từ các nguồn khác, trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa. Việc này đã được nhiều địa phương làm rất tốt trong thời gian qua, nên được nhân rộng và có tính đến sự phù hợp với từng nơi. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh mẽ hơn nữa. Thực tế nhiều địa phương cho thấy, khi người dân nhìn rõ lợi ích trong xây dựng làng quê mình trở thành nơi đáng sống, có giá trị hưởng thụ cao thì luôn sẵn sàng ủng hộ cả về vật chất và tinh thần qua những việc làm cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công và kinh phí; tham gia vệ sinh môi trường; giữ gìn cảnh quan, tình làng nghĩa xóm, nét đẹp văn hóa làng quê… Thu hút được sự tham gia của người dân thì không chỉ có thêm nguồn lực mà về lâu dài, người dân sẽ cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp tay duy trì, phát huy thành quả nông thôn mới thực chất.
Ngoài ra, cũng để tạo giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới, rất cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ du lịch…, trên cơ sở quy hoạch và dựa trên lợi thế của từng vùng, miền để vừa tạo nguồn lợi cho nông dân, vừa tôn tạo cảnh quan làng quê, gắn với định hướng phát triển đô thị. Ví như khu vực làng nghề thì phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch làng nghề; vùng đất bãi có thể phát triển nông nghiệp sinh thái, trồng rau an toàn, cây đặc sản… Trên cơ sở đó, nên làm tốt việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng việc tạo những cơ chế, chính sách thông thoáng từ các cấp, ngành chức năng; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giữ gìn môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ đất theo đúng quy hoạch…
Với cách làm thực chất, tạo ra giá trị bền vững, chắc chắn sẽ hiện thực hóa được mục tiêu bao trùm của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống và giá trị hưởng thụ cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.