(HNM) - Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa có Tờ trình "Về quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội" gửi UBND thành phố. Theo đó, từ ngày 1-1-2021 người hành nghề vận tải các phương tiện nêu trên phải đeo "thẻ hoạt động vận chuyển" do UBND phường, xã cấp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều người đồng tình và cho rằng việc ban hành quy định này là cần thiết...
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội:
Tạo dựng nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện. Trong số các loại phương tiện trên, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện được đa số người dân sử dụng. Trong những năm qua, các loại phương tiện này gia tăng đã gây tình trạng mất an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải.
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các loại phương tiện kể trên thì việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn Hà Nội là rất cần thiết.
Quy định được triển khai sẽ góp phần quản lý được số lượng xe… nhằm giảm ùn tắc giao thông; tạo dựng nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của Thủ đô; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…
Đặc biệt, còn góp phần ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành giao thông; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Để quy định thực sự đạt kết quả, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế nhằm hạn chế thấp nhất khó khăn cho người sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh… để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Ông Cấn Văn Kỷ, nhân viên Công ty Xe ôm Văn Minh (Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Văn Minh):
Quy định sẽ góp phần hạn chế nạn tranh giành, “chặt chém” khách
Tôi là nhân viên Công ty Xe ôm Văn Minh, hoạt động chủ yếu ở Bến xe khách Mỹ Đình, luôn phải chấp hành đầy đủ các quy định như: Đi xe có gắn logo công ty, mặc đồng phục, đeo thẻ… Toàn bộ xe của nhân viên đều được gắn thiết bị định vị GPS và hệ thống tính cước tự động. Nếu thành phố Hà Nội áp dụng việc quản lý người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh… bằng đeo thẻ hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp, chúng tôi sẽ hưởng ứng và chấp hành nghiêm.
Theo tôi, nếu quản lý tốt loại hình dịch vụ này sẽ hạn chế tối đa nạn xe ôm tự do cạnh tranh không lành mạnh, mạo danh lái xe các hãng xe uy tín để “chặt chém”, chèo kéo khách… Đồng thời buộc mọi người phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi hành nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ xích lô du lịch Không lo âu (Sans Souci):
Cần đơn giản hóa về thủ tục
Theo tôi, kể từ khi thành phố cho thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xích lô du lịch đã không còn tình trạng lái xe xích lô tự do hoạt động, cạnh tranh khách. Việc quản lý hoạt động dịch vụ này bằng cách đeo thẻ cho những người hành nghề là việc nên làm.
Vì hiện nay, ngoài những người hoạt động trong các doanh nghiệp, tổ chức như chúng tôi, vẫn còn rất nhiều tài xế xe ôm đang hành nghề tự do mà không chịu bất kỳ sự quản lý của cơ quan nào. Việc đeo thẻ cũng sẽ khiến các lái xe phải chấp hành quy định của công ty và pháp luật hiện hành, chấm dứt tình trạng “chặt chém” du khách.
Tuy nhiên, để quản lý có hiệu quả, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện nhanh - gọn - đơn giản cho người dân khi đến làm thủ tục, đồng thời nên bố trí các điểm đón - trả khách tập trung để hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự trong hoạt động này.
Bà Nguyễn Thị Chấn, chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy:
Cần có chế tài xử phạt đủ tính răn đe
Từ khi có dịch vụ Grab Bike đến nay tôi đã không đi lại bằng phương tiện xe ôm truyền thống vì không muốn phải sử dụng một dịch vụ mà bản thân không thể biết rõ về chất lượng, giá cả. Nhưng dù đã cẩn thận gọi dịch vụ qua ứng dụng, tôi vẫn gặp phải tình trạng lái xe “lách luật”.
Đơn cử, khi đặt xe qua ứng dụng, tôi được thông báo rõ quãng đường và số tiền phải trả. Nhưng khi đón khách, tài xế lại yêu cầu tôi đặt lệnh hủy chuyến rồi chở khách đến địa chỉ đã đặt trước với giá tiền bằng đúng cước phí mà hãng thông báo. Bằng cách này, lái xe đã bớt được khoản phần trăm chênh lệch mà đáng lẽ phải nộp về công ty.
Theo tôi, để việc quản lý dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng xe xích lô, xe mô tô hai bánh… hiệu quả, thì cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, cần có chế tài xử phạt đủ tính răn đe.
Trong Tờ trình của Sở Giao thông - Vận tải trình UBND thành phố Hà Nội chỉ mới đề cập đến tính cấp thiết phải quản lý loại hình dịch vụ này mà chưa có chế tài xử phạt. Chưa kể, cấp phường, xã hiện đã có quá nhiều việc phải làm, nay lại phải quản lý thêm việc cấp thẻ hoạt động vận tải… nên cần bố trí cán bộ phụ trách cho hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.