Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực cho tăng trưởng

Hà Trang| 20/03/2023 06:45

(HNM) - Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng vì làm tốt công tác quy hoạch được xác định là sẽ tạo ra những động lực cho tăng trưởng. Chính vì vậy, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch cần phải dài hơi và đi trước một bước, phải được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, bên cạnh thành tựu đã đạt được, việc xây dựng và triển khai quy hoạch của Hà Nội vẫn tồn tại một số bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn, như: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc còn chậm; việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập nêu trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số đơn vị, địa phương còn chưa cao. Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành với các địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm...

Nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém nêu trên, ngày 16-3-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động nêu rõ các chỉ tiêu phấn đấu trong 2 giai đoạn. Cụ thể, đối với giai đoạn năm 2025 và năm 2030, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62% và đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65-75%. Đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành 100% các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng. Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, trong đó, ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô. Đến năm 2025, tăng số lượng trường trung học công lập và công lập tự chủ lên khoảng 135-140 trường và đến năm 2030 khoảng 150 trường…

Để hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề đó, thời gian tới, các sở, ngành, cơ quan chức năng cùng các địa phương cần khẩn trương đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, xây dựng Thủ đô Hà Nội bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phải khắc phục cho được những bất cập nêu trên để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực cho tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.