Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đối trọng trên bàn cờ Trung Đông

Phương Quỳnh| 04/11/2017 07:24

(HNM) - Trong bối cảnh khu vực Trung Đông đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng giữa Iran với Mỹ ngày càng có dấu hiệu leo thang, đe dọa thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các bên đã ký kết năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm chính thức Iran nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh thân cận.

Tổng thống V.Putin (bên trái) và người đồng cấp Iran H.Rouhani trong cuộc gặp tại Tehran.


Trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống V.Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, hai bên đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề của khu vực, đặc biệt là tình hình Syria. Thời gian qua, Nga và Iran đã hợp tác chặt chẽ để đẩy lùi cuộc xung đột tại quốc gia này, bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tới thời điểm này, lực lượng Chính phủ Syria đã giành thắng lợi trên nhiều mặt trận, đặc biệt là giải phóng toàn bộ thành phố Aleppo và kiểm soát hơn 90% lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, những thách thức mới đang dần lộ diện khi cuộc chiến chống khủng bố bước dần vào giai đoạn cuối. Các quốc gia liên quan tới cuộc chiến như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã thể hiện những mục tiêu khác nhau của mình đối với quốc gia Trung Đông này. Vì vậy, một nội dung quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống V.Putin tới Iran là để thống nhất kế hoạch hành động trong thời gian tới.

Một chủ đề quan trọng khác của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Iran là thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký kết với Nhóm P5 + 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Mátxcơva kiên quyết bảo vệ văn bản này và việc đơn phương hủy bỏ JCPOA với bất cứ lý do gì có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.

Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa Nga và Iran, nhiều năm qua, Mátxcơva đã coi Tehran là đồng minh thân cận ở Trung Đông. Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Thời gian gần đây, trong khi các quốc gia phương Tây còn chờ đợi phản ứng của Tổng thống Mỹ D.Trump với vấn đề hạt nhân Iran thì Nga đã trở thành khách hàng mua dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trước chuyến công du của Tổng thống V.Putin, Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và Công ty Dầu lửa quốc gia Iran đã ký thỏa thuận về lộ trình thăm dò khai thác một loạt các khu vực dầu khí, với tổng đầu tư sẽ lên tới 30 tỷ USD. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, nước này đã đồng ý bán 100.000 thùng dầu thô cho Nga, trong đó một nửa giá trị của lượng dầu sẽ được thanh toán bằng tiền mặt, nửa còn lại sẽ theo hình thức trao đổi kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm qua, quân sự đã trở thành lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Nga và Iran. Chính phủ của Tổng thống H.Rouhani đã đặt mua nhiều loại khí tài của Nga như tên lửa, máy bay quân sự, máy bay chiến đấu, vũ khí hạng nhẹ và đào tạo huấn luyện quân nhân. Tổng thống V.Putin mới đây khẳng định, Nga coi Iran là người hàng xóm và một đối tác tin cậy, ổn định. Trong khi Tổng thống Iran H.Rouhani tuyên bố Nga là người bạn, láng giềng và đối tác chiến lược của Iran. Tehran quyết tâm mở rộng quan hệ và hợp tác toàn diện với Mátxcơva.

Trong suốt 3 năm qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine bùng phát, Mỹ liên tục gia tăng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Mới đây, Washington cũng áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Iran khi cho rằng nước này không tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Những động thái nói trên làm gia tăng thế đối đầu giữa Mỹ với Nga và Iran. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng, việc thắt chặt quan hệ giữa Nga và Iran không những giúp hai quốc gia giải quyết một số bài toán về kinh tế mà còn tạo thêm sức mạnh đối trọng với Mỹ trên bàn cờ Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đối trọng trên bàn cờ Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.