(HNM) - So với các địa phương khác của cả nước cũng như so với thời gian trước đây, một điểm sáng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội là đến nay, thành phố chỉ còn hai huyện Ba Vì và Quốc Oai nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.
Thực tế, từng có giai đoạn, nợ đọng XDCB là “vấn đề nóng” trong thực hiện xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Hệ lụy phát sinh từ đó không phải ít. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sự hỗ trợ cụ thể của thành phố cùng cách giải quyết từng bước một cách căn cơ của từng địa phương, “nút thắt” này đã dần được tháo gỡ. Với riêng hai huyện Quốc Oai, Ba Vì, xử lý nợ đọng cũng đã có giải pháp cụ thể. Vấn đề đáng quan tâm đặt ra ở đây không còn là “khoanh vùng”, giải quyết nợ đọng mà thực tế đòi hỏi phải có giải pháp bảo đảm không để phát sinh nợ mới, từ đó tạo cơ sở cho giai đoạn quan trọng hơn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy "Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đã nêu rõ mục tiêu: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nông dân. Đến năm 2020, thành phố có trên 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, có thể thấy mục tiêu này đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, bao gồm nguồn lực về vốn, để thực hiện. Quá trình huy động nguồn lực ấy cũng phải bám sát yêu cầu không để phát sinh nợ XDCB. Để thực hiện điều đó, chính các địa phương phải rà soát, từ đó có lộ trình đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực theo từng hướng ưu tiên. Đối với những công trình diện xác định phải làm, phải tính toán để có hình thức, quy mô, biện pháp thi công phù hợp. Cùng với nguồn lực từ ngân sách là việc huy động hiệu quả đóng góp, hỗ trợ, đầu tư... từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Một điểm đáng chú ý, nguồn lực quan trọng cho các địa phương chính là đấu giá quyền sử dụng đất cần được tổ chức căn cơ, bám sát thực tiễn thị trường... Đặc biệt, sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân, việc tổ chức hoạt động giám sát cộng đồng tốt sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ phát sinh nợ mới.
Khi không còn phải “quan tâm”, giải quyết vấn đề nợ đọng, nợ XDCB, các địa phương có điều kiện tập trung đầu tư cho một giai đoạn phát triển có thể nói là cao hơn trước, đó là ưu tiên cho phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, cũng như xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ môi trường... Bởi lẽ, XDCB là tạo hạ tầng khung cho phát triển nông nghiệp cũng như góp phần cải thiện không gian cư trú, sinh hoạt của nông dân. Nhìn rộng hơn, hạ tầng khung đó chính là cơ sở khởi nghiệp, làm giàu ở nông thôn, cho lao động nông thôn.
Không còn phải “lo” giải quyết nợ đọng, nợ XDCB, các địa phương mới có điều kiện tìm tòi, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn và cũng từ đó, có điều kiện huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Những mô hình nông thôn khởi nghiệp sinh sôi từ đó!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.