(HNM) - Hôm nay, 20-11, là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày cả nước tôn vinh, dành tình cảm tri ân những cố gắng của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, đóng góp của các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” vì tương lai đất nước.
Cũng như các nhà giáo trong cả nước, đội ngũ giáo viên Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc lớp lớp thế hệ trẻ, truyền thụ kiến thức, dạy cách làm người, góp phần giúp con trẻ trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Họ đã làm được rất nhiều việc, và là nhân tố chính tạo nên thành tích đáng ghi nhận của ngành Giáo dục Thủ đô - đến nay được đánh giá là dẫn đầu cả nước trên nhiều phương diện. Điều đáng nói hơn nữa là các thầy giáo, cô giáo đã làm được điều đó trong bối cảnh chế độ đãi ngộ nhìn chung còn chưa theo kịp yêu cầu chung, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cá nhân, điều kiện làm nghề còn có những hạn chế nhất định.
Tôn vinh, ghi danh là một cách động viên thiết thực, ý nghĩa nhất để các thầy giáo, cô giáo Hà Nội cố gắng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới, để không bị tụt lại bởi nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề. Hà Nội, cũng như cả nước, đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, một phần việc đòi hỏi sự thay đổi cả về tư duy, nhận thức, trình độ, phương pháp sư phạm. Đó là một bước chuyển quan trọng trong hành trình tổng thể về phát triển giáo dục dựa trên định hướng được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
Bước chuyển đó, với đội ngũ những người làm công tác giảng dạy trực tiếp, không hề đơn giản. Ngoài nhận thức đúng về yêu cầu đổi mới, mỗi nhà giáo còn đối diện với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ, đổi mới tư duy, phương pháp, thường xuyên tự học, cập nhật thông tin để có thể theo kịp tiến trình đổi mới chung của toàn ngành. Qua đó khắc phục lối truyền thụ kiến thức theo kiểu áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, chuyển sang dạy cách học, cách tư duy nhằm khuyến khích tự học, tạo cơ sở để học sinh tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh - như đã được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới được dự báo là không dễ dàng, bên cạnh ý thức nỗ lực tự thân, đội ngũ nhà giáo cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần được hỗ trợ về nhiều mặt. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, mức đãi ngộ để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm cống hiến, ngành Giáo dục cần có giải pháp thiết thực để mỗi nhà giáo có cơ hội được học lên, hoặc đào tạo lại, bổ sung kiến thức, làm quen với phương pháp mới...
Chủ trương đổi mới đào tạo theo chương trình sách giáo khoa mới đối với các trường sư phạm, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên là những việc tốt. Phần việc đó cần được duy trì thường xuyên, và quan trọng nhất là cần hướng tới mục tiêu trang bị cho các nhà giáo phương pháp tự học, tự nghiên cứu, thay đổi phương pháp… Việc liên quan tới nhiều bộ phận, bởi vậy, nhìn chung, cách hỗ trợ tốt nhất đối với nhà giáo là thực hiện hiệu quả việc đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo môi trường giáo dục ngày càng lành mạnh, dân chủ, khách quan, công bằng, qua đó tạo cơ hội phát triển chính đáng cho các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.