(HNM) - Không thể phủ nhận, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, nhóm ngành đào tạo giáo viên đã đón nhận sự quan tâm hơn của xã hội. Bằng chứng cụ thể nhất thể hiện qua việc có số lượng lớn thí sinh đăng ký nguyện vọng vào nhóm ngành này, cùng với đó, điểm sàn xét tuyển, điểm đầu vào cũng đều tăng so với kỳ thi đại học, cao đẳng các năm trước.
Dấu hiệu tích cực đó minh chứng, sự kích thích bằng cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đã bước đầu phát huy hiệu quả. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” áp dụng bắt đầu từ kỳ tuyển sinh năm học 2021-2022 đã có ngay sức hút. Theo đó, với cơ chế hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí, nhiều sinh viên đã toàn tâm, toàn ý hơn với lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Cũng từ cơ chế của Nhà nước, nhiều cơ sở thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên cũng phải chuyển động theo, bám sát định hướng đổi mới chương trình giáo dục của từng cấp học để đào tạo sinh viên. Không chỉ mở thêm các chuyên ngành đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, nhiều trường còn đổi mới phương pháp dạy và học, đặt chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu...
Song, với thời điểm hiện tại, cơ chế, chính sách ưu đãi này mới chỉ là bề nổi để thu hút người học. Để chính sách thực sự phát huy đúng trọng tâm, trọng điểm, thu hút người giỏi theo học ngành Sư phạm, còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là “đầu ra” cho sinh viên. Có lẽ, đây là trăn trở đầu tiên và lớn nhất của bất kỳ ai theo đuổi ngành Sư phạm. Học xong liệu có việc làm? Thu nhập sẽ ra sao?... Đây đều là câu hỏi ở “thì tương lai” với sinh viên đang học hiện nay, nhưng ngay từ lúc này, ngành Giáo dục cần có định hướng để người học xác định được con đường phía trước; tránh trường hợp sinh viên ra trường không có việc làm, phải bồi hoàn kinh phí, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Vì thế, chỉ riêng chính sách hỗ trợ sinh viên là chưa đủ, mà đi cùng với đó phải là những giải pháp vĩ mô, mang tính đồng bộ. Đó là sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm ngay; môi trường làm việc hấp dẫn, tiền lương cho nhà giáo tốt hơn so với mặt bằng chung... Đây là những bảo đảm cần thiết để thu hút được người giỏi theo học ngành Sư phạm.
Luật Giáo dục năm 2005 cũng đã quy định, Nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, 15 năm qua, việc thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Từ thực tiễn này, các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp để việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP hiệu quả, giải quyết được các vướng mắc cũ đang tồn tại hiện nay như sinh viên ra trường không có việc làm, không thu hút được người giỏi theo học...
Để có được những nhà giáo giỏi cho xã hội, các cơ sở đào tạo giáo viên phải thật sự chất lượng; tự đổi mới để theo kịp thực tiễn. Đồng thời, mỗi sinh viên cũng phải nỗ lực, trau dồi để cơ chế đãi ngộ của Nhà nước phát huy hiệu quả. Và ở khía cạnh khác, các tỉnh, thành phố cũng cần đánh giá đúng tình hình, từ đó hoạch định chính xác biên chế giáo viên của địa phương mình và đặt hàng với ngành Giáo dục. Hằng năm, phải công khai việc tuyển dụng với những điều kiện minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Khi việc đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng và cơ chế tuyển dụng sẽ tạo thế cân bằng, mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất cho nền giáo dục nước nhà...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.