Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Hiền Chi| 30/12/2018 06:59

(HNM) - Công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội năm 2018 được triển khai quyết liệt, đồng bộ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Đạt kết quả đó là do các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai thực hiện chủ đề công tác của thành phố “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.


Bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả

- Năm 2018, công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, đâu là kết quả nổi bật?

- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội năm 2018 tiếp tục được triển khai toàn diện, mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những kết quả nổi bật là thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Qua đó, Hà Nội đã tạo dựng được môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước. Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp giấy phép mới cho 616 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới đạt 5,03 tỷ USD; tăng vốn 157 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 827,69 triệu USD. Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nhìn lại năm 2018, theo ông đâu là điểm nhấn trong việc triển khai thực hiện chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” mà thành phố đã đề ra?

- Thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của thành phố, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 26-2-2018 về triển khai thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” với mục tiêu xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở. Một trong những giải pháp được thành phố tập trung thực hiện suốt cả năm qua và có kết quả tích cực là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước; các tổ chức tự quản cấp cơ sở.

- Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể trong thực hiện các giải pháp đó?

- Có thể kể một số kết quả tiêu biểu như: Thành phố thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; giải thể Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, thành lập Phòng Công tác giải phóng mặt bằng thuộc Văn phòng UBND thành phố; thành lập 2 chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất các phòng và chi cục có liên quan; kiện toàn, sắp xếp 102 ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố còn 28 ban chỉ đạo, giảm 74 ban (72,5%)…

Thành phố đã chuyển được 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, giảm 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; hoàn thành việc phê duyệt danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2020 là 196/257 đơn vị, dự kiến giảm cả giai đoạn là 11.221 biên chế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, phấn đấu có thêm 61 đơn vị tự chủ bảo đảm đạt mục tiêu đề ra.

Các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp đều sớm đi vào hoạt động ổn định, bộ máy hành chính gọn nhẹ và hiệu quả hơn, công tác tư tưởng được triển khai tốt...

- Một điểm khá nổi bật trong năm 2018 là thành phố đã xây dựng Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?


- Thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, thành phố đã tổ chức các hội thảo khoa học, xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan trung ương, các bộ, ngành có liên quan; cử đoàn khảo sát kinh nghiệm ở một số địa phương trong nước và một số quốc gia (Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản…) để học hỏi mô hình quản lý đô thị, thành phố thông minh; xây dựng các chuyên đề nhánh, đề xuất các phương án tiến tới xây dựng Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Dự thảo đề án đã có nhiều đề xuất đột phá về mô hình quản lý, phân cấp thẩm quyền và các cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức… Hiện thành phố đang tiếp tục hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin


- Cùng với việc thu gọn đầu mối, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước đang được TP Hà Nội tập trung thực hiện. Ông có thể cho biết kết quả triển khai nội dung này?

- Đây cũng là nội dung được thành phố đặc biệt quan tâm. Từ ngày 13-2-2018, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2018. Trong đó, Hà Nội đã triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của thành phố.

Đến nay, toàn thành phố có 689/1.923 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó có 519 dịch vụ mức độ 3 và 170 dịch vụ mức độ 4), chiếm 35,82% tổng số dịch vụ mức độ 3, 4 được UBND thành phố phê duyệt. Từ ngày 17-11-2018, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến các cấp của thành phố thực hiện tại hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp.

- Như ông vừa cho biết, thành phố đã triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh. Cụ thể là những nội dung gì?

- Sau một thời gian thí điểm triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm (iParking), đến nay, TP Hà Nội đã triển khai đồng loạt tại tất cả các quận. Thành phố đã thực hiện thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; cho phép triển khai thí điểm mở rộng biên lai điện tử tại các sở: Tư pháp, Y tế và UBND quận Long Biên. Cùng đó, thành phố duy trì, triển khai gửi, nhận 100% văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính (trừ văn bản mật), giảm sử dụng văn bản giấy…

- Dù đạt được những kết quả tích cực, song TP Hà Nội vẫn còn một số hạn chế trong công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý, điều hành ở một số lĩnh vực, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan chưa nghiêm… Trong năm 2019, thành phố sẽ khắc phục việc này như thế nào?

- Một trong những mục tiêu TP Hà Nội đặt ra là duy trì chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của thành phố thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề năm 2019 là năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Do đó, công tác cải cách hành chính của thành phố năm 2019 xác định những nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung triển khai Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sau khi được trung ương phê duyệt.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu, gắn với thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố…

- HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2019 với yêu cầu giảm 4.356 biên chế công chức, viên chức so với năm 2018. Ông có thể cho biết thành phố sẽ làm gì để đạt được mục tiêu như đã đề ra?

- Sở Nội vụ sẽ phối hợp cùng các ngành tham mưu với UBND thành phố tăng cường tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cùng các nghị quyết, văn bản có liên quan khác của trung ương, thành phố; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trong đó tập trung các giải pháp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, giảm chi ngân sách… Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên; tiếp tục tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; tăng cường thanh tra, kiểm tra về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách của các cơ quan, đơn vị và việc chấp hành công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ… Tất cả nhằm góp phần tạo chuyển biến hơn nữa trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.