Xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội

Mai Hoa thực hiện 21/02/2024 - 06:50

Một trong các mặt công tác nổi bật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thời gian qua là công tác bảo trợ xã hội. Không chỉ tiếp tục được thực hiện hiệu quả với mức trợ cấp trên chuẩn Trung ương quy định, Hà Nội còn triển khai chính sách trợ giúp đột xuất kịp thời, quan tâm chăm lo tới các đối tượng yếu thế bằng nhiều chính sách đặc thù.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.

bao-tro-xa-hoi.jpg
Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chúc Tết các đối tượng bảo trợ xã hội.

Chi trả trợ cấp cho hơn 200.000 đối tượng

- Ông có thể chia sẻ về một số điểm nhấn trong công tác bảo trợ xã hội của thành phố thời gian qua?

- Có thể kể ra một vài con số ấn tượng. Đơn cử như trong năm 2023, thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 202.400 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí là 1.506 tỷ đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng 2.987 đối tượng (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở bảo trợ xã hội với kinh phí 52,5 tỷ đồng.

Ngay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, công tác thăm, tặng quà Tết các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tặng quà Tết đối tượng theo quy định đã được thực hiện hiệu quả. Tính đến sáng 7-2-2024 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão), thành phố đã hoàn thành công tác tặng quà cho người có công và các đối tượng xã hội trên địa bàn. Theo tổng hợp, toàn thành phố đã trao tặng 2.219.722 suất quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác, với tổng kinh phí 1.033,48 tỷ đồng.

- Theo đánh giá của Sở, hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực?

- Điều đó được chứng minh qua thực tiễn. Chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố về mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội. Vì vậy, đời sống của đối tượng ngày càng được bảo đảm. Các đơn vị khối bảo trợ xã hội đã hoàn thành tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, đồng thời bảo đảm phòng chống tốt các dịch bệnh.

Cùng với quà Tết, thành phố cũng đã chi trả trợ cấp đầy đủ tháng 1 và tháng 2-2024 (trong kỳ trả lương tháng 1) cho 80.376 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng với số tiền 367,053 tỷ đồng; trên 203.733 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng với số tiền hơn 251 tỷ đồng.

Tăng cường trợ giúp các đối tượng yếu thế

- Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Thứ nhất, phải thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm thực hiện trợ cấp hằng tháng đúng, đủ, kịp thời đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau; 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi được phát hiện đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Cùng với đó, trong năm 2024, ngành sẽ triển khai đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Hà Nội, theo quy hoạch tổng thể của Trung ương.

Thứ ba, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời, Sở sẽ chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cùng với đó là tích cực hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác cứu trợ đột xuất kịp thời khi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... xảy ra, hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... sớm ổn định cuộc sống.

Thứ tư, chúng tôi chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác xã hội cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại địa phương.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.